Tin tức - Sự kiện

Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Gia Lai

Cập nhật: 19/09/2008 14:09:42
Số lần đọc: 1673
Du khách đến Gia Lai bây giờ đã quen với các sản phẩm lưu niệm như các loại túi xách, ví, áo, khăn trải bàn... được làm từ chất liệu thô sơ với hoa văn và sắc mầu rực rỡ, mang đậm bản sắc văn hóa  của các dân tộc trên địa bàn.

Những tín hiệu vui

 

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn có từ lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, nhưng chủ yếu là tự sản tự tiêu. Các sản phẩm trở thành hàng hóa cũng chỉ mới vài năm trở lại đây. Ði đầu trong việc đưa sản phẩm thổ cẩm đến với thị trường là xã Gla (Ðác Ðoa), với việc thành lập và duy trì hoạt động tổ hợp tác dệt thổ cẩm gần mười năm qua, thu hút gần một trăm lao động với vài trăm khung dệt, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào thiểu số Tây Nguyên.

 

Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lãnh đạo xã, huyện rất quan tâm, coi trọng và xem như một việc làm không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống cư dân bản địa mà còn giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn. Xã đứng ra lập dự án, đồng thời có sự động viên về tinh thần cũng như hỗ trợ thích đáng về vật chất để tổ hợp tác hoạt động và phát triển.

 

Thăm lớp đào tạo cho năm mươi học viên thuộc dự án hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm của xã, chúng tôi thấy có nhiều người trẻ tuổi tham gia, có những em chỉ 13-15 tuổi. Chị Mlơp, một trong hai nghệ nhân giảng dạy cho biết: Khi tham gia lớp học này, các học viên được chỉ dạy tận tình, chi tiết từng mẫu hoa văn của dân tộc Ba Na, Gia Rai, sau đó còn được tư vấn thêm ở các lớp dạy cắt may để các em có thể hoàn chỉnh và đa dạng hóa thêm các sản phẩm...

 

Cho chúng tôi xem các sản phẩm  vừa  được lớp học hoàn thiện như khăn trải bàn, khăn mặt, túi đeo, ví nam nữ, hộp đeo kính, áo váy. với hoa văn và mầu sắc sặc sỡ, chị Mlơp cho biết thêm: Vừa qua, 14 học viên xuất sắc nhất đã được chọn đi tham quan HTX dệt thổ cẩm Ðăm Di (Ðác Lắc) để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật tạo đường nét hoa văn, tạo mẫu... nhờ vậy, tay nghề của các em được nâng lên rõ rệt, đã tạo ra được những sản phẩm khá đa dạng, phong phú, bước đầu được thị trường chấp nhận.

 

Cùng với xã Gla, từ năm 2004, xã Biển Hồ (TP Plây Cu) cũng đã thành lập được Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm với 53 thành viên là các mẹ, các chị  thuộc năm làng trên địa bàn xã. Gần đây, tỉnh có thêm làng sản xuất nhạc cụ dân tộc truyền thống phường Thắng Lợi (TP Plây Cu), làng dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch ở Ðê KTu (Mang Yang), HTX đan lát ở Ia Phìn (Chư Prông)...

 

Ðến nay, hoạt động của các làng nghề đã dần đi vào nền nếp, có quy chế hoạt động bài bản, duy trì sinh hoạt định kỳ; có nơi còn xây dựng được quỹ đóng góp của các thành viên để hỗ trợ thêm tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn mua nguyên liệu, tạo điều kiện để họ yên tâm gắn bó với nghề.

 

Ðể các làng nghề phát triển bền vững

 

Tháng 11/2005, dự án "Hỗ trợ và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm" được triển khai tại hai làng Nghe Lớn và Nghe Nhỏ (huyện Kông Chro). Ðây là dự án đầu tiên của tỉnh Gia Lai được triển khai dành cho việc phát triển các làng nghề truyền thống của người dân địa phương do Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Kông Chro làm chủ đầu tư, với nguồn kinh phí lên đến 210 triệu đồng, trong đó huyện bỏ ra 100 triệu đồng, phần còn lại được quy từ công lao động và vật liệu xây dựng của đoàn viên thanh niên. Dự án bước đầu thu hút 80 nữ thanh niên.

 

Ông Huỳnh Hữu Sâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công của tỉnh cho biết: Việc tổ chức xây dựng và vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên là một hướng đi đúng và cần thiết. Cái lo nhất hiện nay là số nghệ nhân, người biết nghề không còn nhiều, nếu không tranh thủ số nghệ nhân này để truyền lại cho thế hệ đi sau thì việc mai một và mất đi là chuyện không còn xa nữa...

 

Còn anh Vũ Tiến Hà, nguyên Bí thư huyện đoàn Kông Chro, Trưởng Ban quản lý dự án thì tỏ ra khá lạc quan: Chúng tôi rất hy vọng vào dự án này và chúng tôi cũng xác định rõ, ngoài mục đích kinh tế là giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên những lúc nông nhàn, chúng tôi còn muốn đạt được điều lớn hơn là thông qua dự án, giáo dục cho thế hệ trẻ biết tôn trọng và giữ gìn một nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào mình...

 

Chúng tôi cũng đã có dịp trao đổi với nhiều người và ghi nhận nhiều ý kiến tâm đắc làm sao để nghề dệt thổ cẩm trong đồng bào thật sự trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị và được người tiêu dùng chấp nhận. Qua tìm hiểu, hiện nay do đầu ra chưa ổn định, nên sản phẩm khó tiêu thụ. Một số chị ở HTX dệt thổ cẩm xã Biển Hồ cho biết: Sản phẩm của HTX làm ra khá nhiều, mẫu mã cũng rất phù hợp thị hiếu khách hàng, nhất là khách ở xa. CLB cũng nỗ lực liên hệ với các đầu mối như Trung tâm Thương mại Plây Cu, từng đến các điểm du lịch để chào hàng và đặt vấn đề làm đầu mối tiêu thụ lâu dài các sản phẩm... nhưng xem ra cũng chưa mấy khả quan.

 

Các chị cũng khẳng định: Việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, chị em là đồng bào dân tộc thiểu số rất phấn khởi và rất nhiệt tình tham gia, vì đây vốn là công việc thường ngày mà các thiếu nữ Tây Nguyên  vẫn làm. Ngoài ra, chị em còn rất tự hào vì sản phẩm mình làm ra lại được nhiều người quan tâm sử dụng, nếu đầu ra ổn định, CLB sẽ thu hút thêm được nhiều lao động tham gia nữa...          

 

Trong hai năm 2006-2008, tỉnh Gia Lai đầu tư 6,5 tỷ đồng cho hai dự án dạy nghề là "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" và "Ðào tạo nghề cho nông dân và học sinh dân tộc thiểu số nội trú" trong đó ưu tiên nguồn vốn cho việc dạy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... Mới đây, tỉnh cũng quyết định đầu tư 2,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhà xưởng, đường giao thông, hệ thống điện thắp sáng cho hai làng nghề ở xã Gla (Ðác Ðoa) và thị trấn Kon Dơng (Mang Yang)...

 

Theo dự kiến của UBND tỉnh Gia Lai, thời gian tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các dự án mới nhằm mở rộng quy mô các tổ hợp tác sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở các xã Ia Phìn, Ia Piơ, Ia Lâu (Chư Prông), Ia Pết (Mang Yang) và nhiều nơi khác. Sự quyết tâm đó cùng với thực tế những gì đã có trong thời gian mở ra hướng mới cho ngành nghề nói chung và nghề truyền thống ở Gia Lai, không chỉ góp phần giúp đồng bào giải quyết việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo mà còn là một việc làm mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 

Tuy nhiên, để các làng nghề phát triển ổn định, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có sự chủ động phối kết hợp với ngành văn hóa, du lịch trong và ngoài khu vực; sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề trong từng địa phương, trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên và tìm kiếm các doanh nghiệp chịu đảm nhiệm đầu ra cho sản phẩm...

 

Ngoài ra, theo những người làm công tác văn hóa, thì việc thường xuyên tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống ở từng địa phương hoặc khu vực (vì là dịp để bà con ăn mặc đẹp) cũng sẽ là cách giới thiệu có hiệu quả và ấn tượng nhất những giá trị, cũng như sự đa dạng của sản phẩm dệt thổ cẩm trong đời sống vốn rất phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT