Tin tức - Sự kiện

Các hoạt động trong Lễ hội Lam Kinh 2008

Cập nhật: 22/09/2008 08:09:43
Số lần đọc: 1608
2 ngày sau lễ khai mạc Lễ hội Lam Kinh 2008, sáng 21/9 (tức ngày 22/8 âm lịch), tại sân điện Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân - Thanh Hoá ) đã diễn ra Đại lễ Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê đăng quang và 575 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Đây là chương trình quan trọng nhất, cũng là điểm nhấn của Lễ hội Lam Kinh năm nay. Đại lễ diễn ra với sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.


Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại và mang đậm nét văn hoá thời Lê. Mở đầu đại lễ, đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ Đền thờ Lê Thái Tổ, theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh. Tại đây, kiệu được rước lên kỳ đài trong âm vang của màn trống hội, trống đồng. Điểm nổi bật trong phần lễ chính là những nghi thức tế lễ với những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê truyền lại, đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong Lễ hội Lam Kinh. Phần hội được nối tiếp với các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: cuộc khởi nghĩa Lam Sơn 10 năm chống giặc Minh; Hội thề Lũng Nhai; dòng suối lá "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần"; Lê Lai cứu chúa; giải phóng thành Đông Quan; Vua Lê Thái Tổ đăng quang; quê hương Thanh Hoá trên con đường đổi mới… Ngoài ra, phần hội còn thêm phần sôi nổi với các trò diễn dân gian mang đặc trưng vùng, miền ở xứ Thanh như trò Xuân Phả (Xuân Trường), múa Rồng (Xuân Lập), Trống hội (thị trấn Lam Sơn), dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn), dân ca sông Mã, ca trù, trò Xuân Phả, Sanh Ngô... cùng những hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng khác như: liên hoan văn nghệ, các buổi chiếu phim, hội trại các làng văn hoá; trưng bày, triển lãm hiện vật, tranh ảnh, sách báo giới thiệu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vương triều Hậu Lê, phát huy hào khí Lam Sơn, Thanh Hoá trên con đường đổi mới...


Khai hội từ ngày 19/9, Lễ hội Lam Kinh 2008 diễn ra trong 3 ngày, từ 19-21/9/2008 (tức ngày 20-22/8 âm lịch) tại khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam và thị trấn Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân) và khu vực đền thờ Trung túc vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc). Lễ hội Lam Kinh 2008 là một lễ hội với quy mô hoành tráng và trang trọng nhất từ trước đến nay, lễ hội xưa tiếp tục được bảo tồn nhưng bổ sung những sắc thái mới của lễ hội hiện đại, tạo ra sức hấp dẫn về văn hoá du lịch cũng như tâm linh. Trong các ngày diễn ra lễ hội, hàng chục vạn người gồm nhân dân trong vùng và du khách thập phương đã về đây để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công dành lại độc lập, yên bình cho đất nước; được tham dự, được xem các điệu múa, những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như trò Xuân Phả, trò Chiềng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca Sông Mã... Ngoài ra tỉnh Thanh Hoá còn tổ chức một số hoạt động khác gắn liền với lễ hội như: dâng hương ở Thái miếu nhà Lê, tượng đài Lê Lợi (Thành phố Thanh Hoá)...


Trước đó, trong cuộc gặp mặt lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hoá vào chiều 20/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất hoan nghênh sáng kiến tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2008 nhân Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê đăng quang và 575 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi, coi đây là dịp để khơi dậy truyền thống, lịch sử, văn hoá, truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.Tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 13%; thu ngân sách tăng 25,5% so cùng kỳ năm 2007...


Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thanh Hoá tự hào là quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Ngày nay, trước yêu cầu cũng như nhiệm vụ của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thanh Hoá cần phát huy truyền thống quý báu đó, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước. Chủ tịch cũng lưu ý, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá cần tiến hành kiểm điểm giữa nhiệm kỳ về thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.


Cũng trong Lễ hội Lam Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hương tại khu lăng mộ và Thái miếu nhà Lê./.

Nguồn: Thanh Hoá

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT