Sa Pa - thích hợp cho mọi mùa du lịch trong năm
Sa Pa hấp dẫn du khách với cảnh sắc tuyệt đẹp với những dãy mây trắng quấn quít quanh những đỉnh núi màu lam, những rừng cây sa mộc xanh ngắt, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những thác nước tung bọt trắng xóa, những mảnh ruộng bậc thang trông rất mềm mại với những người dân chân chất, thật thà đang ngày đêm sống bên đỉnh núi Hàm Rồng và đỉnh Phan-xi-păng hùng vĩ ... và khí hậu trong lành. Đặc biệt, khách đến Sa Pa còn ngẩn ngơ với vẻ đẹp của những cô gái Dao, H’Mông... trong những bộ váy áo dân tộc đủ sắc màu. Ở Sa Pa lúc nào cũng lạnh, nhưng cái lạnh ở Sa Pa không buốt, tất cả đã tạo nên một Sa Pa vừa hư vừa thực, một Sa Pa lung linh, huyền bí và quyến rũ đến mê hồn.
Đến Sa Pa, trước tiên, du khách ghé thăm đỉnh núi Hàm Rồng cách trung tâm thị trấn chỉ ít phút đi bộ. Đường lên đỉnh Hàm Rồng tràn ngập hoa và có bậc thang cho du khách dễ leo. Dọc đường lên đỉnh núi, du khách gặp vô số quầy bán hàng lưu niệm. Đi thêm một đoạn nữa, du khách sẽ bất ngờ gặp vườn lan với đủ các loại giống lan quý hiếm khoe sắc như mời gọi và làm lưu luyến bước chân du khách. Do khí hậu, đất đai nên Sa Pa có nhiều các loại hoa, rau quả, thuốc Nam chất lượng cao. Từ đỉnh Hàm Rồng, du khách nhìn bao quát toàn cảnh thị trấn Sa Pa với những ngôi nhà thấp thoáng trong sương, những lâu đài cổ kính bên cạnh những biệt thự hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây trải dọc theo những con đường quanh co hay chênh vênh trên các triền dốc, sườn đồi để cảm nhận hết vẻ đẹp phố núi.
Có một nhà thờ cổ xây bằng đá ở ngay trung tâm thị trấn Sa Pa đã hơn 100 tuổi (xây dựng năm 1895). Trước sân nhà thờ là vô số các quán đặc sản nướng của Sa Pa để phục vụ du khách. Từ đây đi ngược về hướng Đông Bắc trên đường đi tới động Tả Phìn cũng có một tu viện được xây gần như toàn bằng đá nằm trên sườn đồi. Qua khỏi tu viện khoảng 3km, là hang động Tả Phìn. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, tiên ngồi, cánh đồng, rừng cây lấp lánh... Đặc biệt tại thung lũng Mường Hoa có 196 hòn đá chạm khắc nhiều hình kỳ lạ cổ xưa cách đây hàng ngàn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu này đã được xếp hạng Di tích văn hóa quốc gia.
Xa xa, phía Tây thị trấn là dãy Hoàng Liên Sơn xanh thẳm ẩn mình trong những áng mây. Đỉnh Phan-xi-păng cao hơn 3.000m luôn vẫy gọi những du khách thích mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên. Muốn chinh phục nó, du khách chỉ cần đăng ký dịch vụ leo núi dành cho những người không chuyên theo đường ngắn nhất chỉ khoảng 3 ngày.
Cách thị trấn Sa Pa 12km về phía Tây là thác Bạc với những dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Từ đây, du khách đi thêm một đoạn bằng xe ô tô nữa là đến bản Hồ của người Tày. Đến đây, khách du lịch được ngủ nhà sàn, ăn cá suối, thưởng thức gà bản nướng mọi, được ngồi vào xa quay sợi cũng như tập làm đồ thổ cẩm với người dân tộc; đồng thời hòa mình cùng điệu múa xòe, múa sạp của người dân tộc Tày. Thăm thác Bạc xong, du khách đi thêm chục cây số bằng xe ô tô nữa để đến Cổng Trời - nằm trên con đèo cao nhất Việt Nam (cách mực nước biển khoảng 2.000m) ngay địa giới của tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đứng ở đây có thể ngắm rất rõ đỉnh Phan-xi-păng huyền thoại.
Thị trấn Sa Pa tuy nhỏ nhưng có nhiều quầy hàng. Hàng hóa hết sức phong phú và đa dạng, nhiều nhất là các loại hàng lưu niệm, quần áo ấm, giày dép, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em... Phần lớn hàng hóa được nhập từ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm khiến khách du lịch rất thích thú như bộ làm vườn mini (bay, cào, xúc, xẻng) hay xẻng đi rừng đa năng có la bàn, cuốc, búa đục, xếp gọn trong cái túi nhỏ. Muốn xuống chợ Sa Pa phải đi xuống các bậc thang là gặp ngay những quầy trang sức bằng bạc (vòng, khuyên, lắc...), quầy hoa quả (cam, chuối, mận, lê...). Những chảo bánh chiên đang sôi xèo xèo, thơm phức ở hai bên đường cũng khiến không ít du khách dừng chân. Chỉ 1.000 đồng/cái, du khách có thể thưởng thức một cái bánh nếp dẻo chiên giòn rụm và nóng hổi...
Ngoài các loại hàng hóa thông thường, trong chợ Sa Pa còn có một gian lớn dành cho hàng thổ cẩm (mền, mùn, gối, quần áo, túi xách, ví đầm, khăn tay, tranh thêu...) của các dân tộc khác nhau, với nhiều hoa văn và hình trang trí tinh xảo và lạ mắt, đủ loại, đủ màu sắc rực rỡ.
Nếu muốn tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa của vùng cao, du khách có thể tới thăm chợ tình Sa Pa diễn ra vào thứ bảy hàng tuần - không gian chợ tình là nơi hẹn hò, giao lưu của những người đang yêu và sẽ yêu; hay ghé chợ Bắc Hà vào ngày chủ nhật để được sống giữa những con người chất phác, tận mắt ngắm nhìn những mẫu hoa văn sặc sỡ từ váy áo của người Dao, H’Mông...