Non nước Việt Nam

Nhà bảo tàng tỉnh Bến Tre, một di tích lịch sử văn hóa

Cập nhật: 23/09/2008 15:09:15
Số lần đọc: 2693
Toà nhà Bảo tàng toạ lạc tại số 146 đường Hùng Vương, phường 3, thị xã Bến Tre, trong khuôn viên rộng hơn 13.000m2. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm đặc trưng gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 474m2.

Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thị xã Bến Tre, nằm ngay trung tâm thị xã với những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa kiểng tươi tốt, quý giá và hàng rào khang trang bao bọc. Đây là một vị trí đẹp, thuận lợi về mọi mặt, là điểm hẹn của nhân dân trong tỉnh, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh cùng những người muốn tìm hiểu về xứ dừa.

Chính vì vị trí quan trọng như vậy nên khi xâm chiếm đất Bến Tre, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng ngôi nhà này để làm Dinh Tham biện. Sau hiệp định Genève (20/7/1954), đế quốc Mỹ nhảy vào dựng lên ở miềm Nam chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, ngôi nhà này được Mỹ Ngụy chọn làm Dinh Tỉnh trưởng. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, ngôi nhà được Tỉnh ủy Bến Tre tiếp quản, sau đó giao lại cho Ty Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để làm phòng Bảo tồn Bảo tàng vào năm 1976. Khi Bảo tàng Bến Tre được thành lập theo quyết định số 1564 ngày 26/10/1981 tỉnh đã quyết định giao lại ngôi nhà cho Bảo tàng sử dụng để trưng bày những hình ảnh và hiện vật truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh nhà trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Tại đây từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trong liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân dân Bến Tre. Đây là cơ sở nội tuyến bí mật in ấn tài liệu vào năm 1938 theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thái Bường; là nơi diễn ra lễ ký quyết định thành lập công binh giới của lãnh đạo Tỉnh ủy vào tháng 10/1945; là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo với cương vị Đại tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa giai đoạn 1960–1962.

Hiện nay, nội thất đã được sửa chữa lại để phù hợp cho việc trưng bày, triển lãm. Toàn bộ các phòng và hành lang đều được sử dụng để trưng bày hơn ba ngàn hiện vật, hình ảnh, tư liệu gồm 3 phòng ở tầng trệt và 3 phòng ở tầng lầu, như: Giới thiệu khái quát lịch sử của Bến Tre từ những năm đầu thế kỷ XX đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (30/4/1975); và 1 phòng phía sau trưng bày Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thị xã Bến Tre; phát hiện và đào thám sát vào năm 2003, khai quật vào các năm 2004, 2005, 2006). Hành lang trên tầng lầu, phía trước thì được dùng để trưng bày Tranh vẽ ngược kính về Bác Hồ của tác giả Đoàn Việt Tiến.

Ngoài những phòng trưng bày trong nhà, Bảo tàng Bến Tre còn có khu trưng bày ngoài trời rộng 288m2, trưng bày những hiện vật thuộc thể khối có kích thước lớn như xác máy bay, pháo, vỏ bom, … Bằng những hiện vật, hình ảnh, mô hình, Bảo tàng Bến Tre giúp người xem hệ thống lại lịch sử phát triển của tỉnh trong hơn 100 năm qua. Năm 2002, Bảo Tàng Bến Tre xây dựng thêm một cơ sơ mới theo quyết định số 2234/QĐ-UB ngày 20/6/2002 trên địa điểm cách ngôi nhà cũ khoảng 20m về phía phải (nằm phía sau Nhà khách Hùng Vương). Ngôi nhà được xây dựng gồm một tầng trệt và 2 tầng lầu, được đặt tên “Nhà trưng bày thành tựu kinh tế-văn hóa-xã hội và an ninh quốc phòng tỉnh Bến Tre”.

Cùng với các di tích ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri như Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, Mộ Võ Trường Toản, Mộ Phan Thanh Giản,… rồi Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, nhà Bảo tàng vẫn ngày ngày mở cửa đón khách tham quan để quảng bá và giáo dục truyền thống, lịch sử vùng đất Bến Tre. Đây có thể sẽ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn sau khi cầu Rạch Miễu được khánh thành.

Nguồn: Bến Tre

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT