Non nước Việt Nam

Tháp Hùng Vương – biểu tượng văn hóa mới của Việt Nam thế kỷ 21

Cập nhật: 18/09/2008 11:09:49
Số lần đọc: 2412
Việt Nam sắp tới sẽ có một Công viên Văn hóa Lịch sử du lịch – một biểu tượng văn hóa chưa từng có trong lịch sử nước ta. Đó là kiến trúc Tháp Hùng Vương vừa được UBND tỉnh Phú Thọ kết hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố trong buổi họp báo chiều 16/09/2008 tại Hà Nội.

Một cuộc thi mang nhiều ý nghĩa

 

Công trình Tháp Hùng Vương sẽ được đặt tại diểm đồi Mom gà, cao 60m, cách Đền Hùng khoảng 3 km về phía Đông Nam. Công trình nằm trên khu đất rộng 14ha. Các công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật nằm trong khu vực có diện tích rộng 133 ha.

 

Đây không chỉ là nơi lưu giữ và giới thiệu những báu vật của thời đại Hùng Vương; nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những vật phẩm quý hiếm của các địa phương trong cả nước và cũng là nơi quan sát toàn cảnh khu di tích và vùng phụ cận. Mà hơn cả, công trình sẽ trở thành biểu tượng cho công cuộc dựng nước, giữ nước của các thế hệ người Việt Nam, cho sự bền vững sắt đá của khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Trong buổi họp báo hôm nay, BTC cũng chính thức phát động cuộc thi ý tưởng thiết kế cho kiến trúc Tháp Hùng Vương – Khu di tích Lịch sử Đền Hùng.

 

Độ cao của tháp sẽ hạn chế dưới 75m và không quy định về quy mô. Các đơn vị, cá nhân gửi bài dự thi sẽ phải đưa ra ít nhất 03 phối cảnh thể hiện nội dung, ý tưởng thiết kế.

 

BTC sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 15/09 đến ngày 30/10/08. BTC sẽ dành thời gian từ ngày 01/10/08 đến 15/04/09 để tổ chức cho các đơn vị tham gia dự thi tham quan địa điểm xây dựng công trình và giải đáp thắc mắc. Các đơn vị, cá nhân đăng ký dự thi sẽ gửi bài về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng – Khu di tích Lịch sử Đền Hùng chậm nhất ngày 19/05/09.

 

Sau khi đánh giá các đồ án dự thi, BTC sẽ tổ chức triển lãm các đồ án này vào khoảng tháng 08/09 và công bố kết quả, trao giải vào tháng 09/09.

 

Giải thưởng sẽ bao gồm: 03 giải cho phương án loại A (mỗi giải trị giá 80 triệu đồng); 10 đồ án được chọn vào vòng sơ tuyển sẽ được nhận giải thưởng 30 triệu đồng/ đồ án. Đồ án được chọn dùng sẽ được BTC xem xét hỗ trợ để nâng cấp tiếp.

 

Hướng tới một công trình mang tầm đỉnh cao văn hóa Việt Nam

 

Việt Nam đã có nhiều biểu tượng văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, tuy nhiên để tìm ra biểu tượng văn hóa ở thế kỷ 21, trong thời kỳ hội nhập thì chúng ta đang thiếu.

 

Đi từ hạt nhân là những ngôi đền, Di tích lịch sử Đền Hùng Vương là một quần thể di tích với một hệ thống Đền khá quy củ. Tuy nhiên, làm thế nào để quần thể này thật sự là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam như Đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Chợ Bến Thành… để giới thiệu với bạn bè quốc tế là một câu trả lời mà BTC đang đi tìm.

 

Theo GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính – Phó Chủ tịch thường trực Hội KTS Việt Nam thì “Chúng ta hiện nay có nhiều đền, chùa xây mới, thậm chí chúng ta cũng nói mãi về những biểu tượng văn hóa Việt Nam đã rất lâu đời nhưng trong số đó có nhiều công trình không mang nhiều giá trị văn hóa. Xây dựng Tháp Hùng Vương sẽ tạo ra được một Công viên Văn hóa Lịch sử Du lịch trên vùng đất sinh thái chưa từng có trong nền văn hóa nước ta. Và đây sẽ là biểu tượng văn hóa xuyên suốt cho văn hóa Việt Nam tới sau này”.

 

Cũng theo giáo sư, thì chúng ta đừng nên quá nhấn mạnh vào ý nghĩa “Tháp” phải giống như các biểu tượng tháp trên thế giới. Công trình này không chỉ cao, đồ sộ mà còn mang nội hàm cao hơn trở thành một công trình vĩnh cửu.

 

Điểm khác của cuộc thi này so với nhiều cuộc thi kiến trúc khác, kiến trúc của Tháp phải thể hiện được tính dân tộc và hiện đại, sẽ là biểu tượng văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau. Tháp sẽ không chỉ có ý nghĩa là tưởng niệm mà trong đó còn là công trình mỹ thuật, kiến trúc của thời đại mới.

 

Giáo sư cũng lưu ý với các đơn vị, cá nhân tham gia cuộc thi năm nay “Hãy tìm ra một hình tượng đặc biệt cho công trình. Vì các bạn có thể thấy, không một dân tộc nào trên thế giới lại tôn thờ tổ tiên như dân tộc ta với thiết chế tâm linh rất đặc biệt như là khu di tích Đền Hùng. Lớp trẻ phải nghĩ khác đi và phải tạo ra một công trình xứng đáng với thời đại chúng ta, nặng lòng với dĩ vãng nhưng phải hướng tới tương lai. Với chiều cao 75m, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có thể tạo nên một công trình kiến thúc Tháp đồ sộ”.


Hy vọng, vào năm 2009, Việt Nam sẽ được chứng kiến một công trình văn hóa mới đủ trở thành một biểu tượng cho lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Nguồn: VnMedia

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT