Non nước Việt Nam

" Nam Thiên Đệ Tam Động" ở Ninh Bình

Cập nhật: 11/09/2008 10:09:38
Số lần đọc: 2318
Động - chùa này (di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay, gần Quốc lộ 1A) đẹp tới mức được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động".

Tương truyền vào khoảng năm 1739,  một tiều phu lên núi đốn củi đã phát hiện hang động này và thấy có nhũ đá giống tượng Phật nên lập ban thờ Phật ở đó, đến năm 1740 thì hình thành chùa. Nói Động - Chùa Địch Lộng là nói gọn chứ thực ra còn có đình (có 16 cột đá nguyên khối, nên còn gọi là đình đá); đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng; ba gian chùa Hạ, ở gian giữa có treo cuốn thư chữ Hán: Lưu Ly Bảo Điện, nói lên sự quý giá của ngôi chùa...

Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động mà du khách không thể không sửng sốt trước sự kỳ diệu của tạo hóa và sức tưởng tượng vô biên của con người. Trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự” là tên “cúng cơm” của Động - Chùa Địch Lộng. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn. “Sân trước” động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu; hai “giếng ngọc” quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi và tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử. Đứng tại “sân” này, phía bên phải là chùa mà với “mái” là vòm hang cao khoảng 20 mét, sâu khoảng 30 - 40 mét và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

Đẹp và tiện đường giao thông nên Động - Chùa Địch Lộng thường được nhiều người thăm viếng. Tương truyền một lần trên đường trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng quyết định ghé thăm nơi đây. Lúc thuyền sắp phải qua Kẽm Trống, nhà vua được viên quan cận thần đọc cho nghe bài thơ Kẽm Trống của nữ sĩ Xuân Hương. Cho là quá dung tục, ngài bắt dân ở địa phương đào một con sông khác để thuyền không phải “chui” qua Kẽm Trống.

Cùng với nét đẹp mê hồn, Động - Chùa Địch Lộng còn là di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và là nơi điều trị cho các nạn nhân của bom đạn Mỹ những năm chiến tranh ác liệt. 

Nguồn: website báo CA TP.HCM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT