Tháp đôi, Bình Định: Một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo
Bởi có hai tháp đứng gần như song song với nhau, nên trong dân gian Bình Định thường gọi với cái tên Tháp Đôi, trong sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Hưng Thạnh cổ tháp ở thôn Hưng Thạnh, huyện Tuy Phước có hai tháp tục gọi là Tháp Đôi”. Dân gian có câu: Ai về Tuy Phước ăn nem/ Ghé qua Hưng Thạnh để xem tháp Chàm. Hiện nay tháp thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm-pa, mà là cấu trúc thành hai phần chính: Khối thân vuông vức và phần chóp đỉnh hình tháp mặt cong. Vì vậy, thoạt nhìn vào ngôi tháp này ta có liên tưởng như có dáng của đền thờ của người Khơ-me thời kỳ Ăng-co thế kỷ XII. Nhận định này các nhà nghiên cứu căn cứ vào hình tượng chim thần Ga-ru-đa được bố trí ở các góc tháp với hai tay giơ cao, chân chùng xuống đỡ cả phần trên của tháp lên cao.
Trong khi đó toàn bộ phần thân (phần dưới) của hai ngôi tháp này vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc, kiểu trang trí đặc trưng của tháp cổ Chăm-pa truyền thống: Khối thân hình vuông, mặt tường bên ngoài được bố trí những cửa giả, các cột ốp chạy dọc thân. Vòm trên các cửa giả ở cả ba mặt tạo hình mũi lao cao vút, các cột ốp trơn nhẵn, giữa hai cột ốp là đường nhô cao thành những đường khối chắc, khỏe và được viền quanh bởi một đường vào trong mặt tường, không còn dải hoa văn trang trí trên mặt ngoài của tường tháp. Tất cả những yếu tố trên là đặc trưng tiêu biểu của tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định. Vì thế niên đại của tháp Đôi được các nhà nghiên cứu xác định vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII.
Trong hai ngôi tháp, ngôi tháp Bắc cao lớn hơn và ít bị xuống cấp hơn ngôi tháp phía Nam, theo như nguyên lý thì phần chân tường được tạo vòng đai bằng các khối đá lớn đỡ toàn bộ ngôi tháp, giữa các cánh sen là những hình voi, sư tử và những hình người múa, nay những chi tiết trang trí đó đã được tôn tạo, trùng tu .
Do chịu ảnh hưởng của nghệ thuật của kiến trúc Khơ-me, bộ diềm mái của tháp Đôi được làm bằng đá và được trang trí bằng hình các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử đầu voi (gajasimha). Bốn góc của bộ diềm mái là hình bốn chim thần điểu Ga-ru-đa bằng đá.
Toàn bộ phần mái của tháp không phải là hệ thống các tầng thu nhỏ dần như các tháp Chăm truyền thống, mà là cả khối hình tạo bởi bốn mặt, mỗi mặt được chia thành sáu tầng bằng những đường diềm ngang, mỗi tầng chia thành năm ô khám giả cũng có hình mũi lao, trong đó ô khám chính giữa lớn hơn các ô bên, Bên trong ô giữa là hình người ngồi tư thế thiền chân xếp bắt chéo lên nhau. Ở bốn góc các tầng tháp còn được tô điểm các hình rắn Naga 5 đầu.
Là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo, lại nằm trên vị trí của thành phố, trong những năm gần đây đã được Nhà nước đầu tư tôn tạo gần như trả lại hình dáng ban đầu của tháp. Công trình qui hoạch tôn tạo khu di tích Tháp Đôi năm 2008 vừa qua đã tạo ra nơi này có một khuôn viên thoáng đãng và chứa đựng nhiều giá trị du lịch giữa một đô thị. Tháp Đôi không những đáp ứng cho du khách trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 mà thực sự trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn mỗi khi du khách về với thành phố biển Quy Nhơn.