Kim Quan - Điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn ở Tuyên Quang
Theo quốc lộ 2C hiện nay, từ ngoài vào điểm di tích đầu tiên là nơi làm việc của Chính phủ. Cách đó khoảng 200 mét là di tích hầm an toàn của Khu Trung ương Đảng. Ở khu vực này có hội trường, nhà ở của đồng chí Tổng Bí thư Trường-Chinh, nhà ở của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và các bộ phận của Văn phòng Trung ương, như điện đài, văn thư, thư viện, bộ đội bảo vệ. Khu vực này có một căn hầm đào sâu vào lòng một ngọn núi với chiều dài của hầm là 56 mét. Cửa hầm hướng đông, nhìn ra sông Phó Đáy. Cách khu hầm của Trung ương Đảng, Chính phủ là Vực Nhù, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc. Nhà của Bác Hồ là nhà sàn, dựng trên sườn núi. Cách nhà không xa là căn hầm an toàn. Nhà nối với hầm bằng đường hào chữ chi. Toàn bộ nhà làm việc, nhà ở, hội trường ở khu vực này đều làm bằng gỗ, tre, nứa, lá, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Bộ Chính trị họp quyết định giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất; ra Nghị quyết “Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá II) bàn về thay đổi nhiệm vụ chiến lược là: “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”; nhận định về khả năng chấm dứt chiến tranh, ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ. Các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại hội trường hoặc khu vực hầm an toàn.
Bác Hồ thường đến họp, làm việc với Tổng Bí thư Trường-Chinh và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ tại hai địa điểm này. Kim Quan còn là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đón tiếp các đoàn khách quốc tế.
Từ an toàn khu ATK Kim Quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đã đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ...
Đến thăm Khu di tích lịch sử ATK Kim Quan hôm nay, trong quần thể các điểm di tích trải rộng trong khu rừng Nà Lơi và Vực Nhù, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, được bao bọc bởi dòng sông Phó Đáy. Du khách không chỉ được tìm hiểu về những sự kiện lịch sử, mà còn được ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ, với dòng sông Phó Đáy thơ mộng, nguồn nước luôn trong xanh hiền hoà, chứng kiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang từng ngày đổi thay.
Ông Triệu Phúc Quyên, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Xã có các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, La Chí, Cao Lan, Tống, Hoa. Mỗi dân tộc có những nét văn hoá độc đáo riêng, chung sống đoàn kết, đang tích cực thi đua thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Nhân dân các dân tộc cùng gìn giữ, xây đắp truyền thống của vùng quê cách mạng, bảo vệ những di tích lịch sử quý giá và hy vọng một ngày không xa khu di tích này sẽ được quy hoạch xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông được mở rộng, dịch vụ du lịch phát triển để đón nhiều du khách đến tham quan.