Hang Con Moong (Thanh Hóa): Dấu ấn văn hoá cổ Việt Nam
Hang Con Moong là di chỉ khảo cổ học được phát hiện vào năm 1975. Những kết quả khai quật, nghiên cứu mới nhất, cho thấy hang Con Moong là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, phát triển qua ba tầng văn hóa là Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn. Trong tầng văn hoá Sơn Vi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 3 mộ táng, cùng nhiều công cụ và thực phẩm của người Việt cổ.
Với ý nghĩa và giá trị khoa học to lớn, mới đây, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia cho hang Con Moong. Ngay trong ngày đầu mở cửa Hang Con Moong đã đón hàng nghìn du khách. Sức hấp dẫn của hang Con Moong bởi đây là nơi duy nhất ở Đông Nam Á có thời gian tồn tại của con người dài nhất và liên tục nhất. Đồng thời nơi đây cũng cho chúng ta thấy những hình ảnh rõ ràng nhất về văn hoá vật thể và vă hoá tinh thần của cư dân cổ. Điều quan trọng là chính những cư dân cổ này là cội nguồn của người Việt ta.
Tỉnh Thanh Hóa đã và đang cùng các nhà khoa học triển khai xây dựng hồ sơ khoa học di tích hang Con Moong để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đồng thời xây dựng các phương án để hang Con Moong trở thành địa chỉ hấp dẫn nằm trong quần thể các điểm du lịch của Vườn quốc gia Cúc Phương.