Non nước Việt Nam

Kèn Pí lè - Nhạc cụ độc đáo của dân tộc Tày ở Lào Cai

Cập nhật: 30/10/2013 10:50:04
Số lần đọc: 3295
Dân tộc Tày ở Lào Cai có vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, thể hiện qua các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội và các tập quán sinh hoạt tín ngưỡng... Trong đó, có một loại nhạc cụ độc đáo - đó là kèn Pí lè.

Kèn Pí lè được làm từ loại gỗ cứng, chắc, bền. Người Tày sử dụng Pí lè trong các nghi lễ cúng thần, Lồng tồng, lễ cưới hỏi, vào nhà mới… Pí lè là nhạc cụ thuộc họ hơi, không chỉ khác về cấu tạo hình dáng nhỏ, gọn, chất liệu âm thanh vang vọng, tưng bừng mà còn là biểu tượng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày.

Thổi kèn Pí lè trong dịp lễ hội.

Thân Pí lè là một ống gỗ đục rỗng hình trụ, có chiều dài từ 30 - 40cm, chia làm 10 đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn, các đốt tạo thành bởi sự phân chia giữa các gờ ở mỗi đốt (gần giống đốt tre), trong đó có 7 đốt ở giữa được dùi lỗ nhỏ phía trước, bố trí khoảng cách đều nhau tạo thành một hàng dọc. Loa kèn là phần cuối của cây kèn, được làm bằng lá đồng mỏng, uốn hình chóp cụt, có độ dài khoảng 10cm, đường kính 12cm, đầu nhỏ của loa nối liền với ống kèn. Phần đầu nhỏ của ống kèn được dùi một lỗ tròn dùng để buộc dây từ đầu tới loa kèn.

Người thổi Pí lè bằng cách lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng tác động vào những lỗ nhỏ thân kèn, hơi luồn qua lỗ nhỏ liên tục như vậy, nghệ nhân thổi kèn hàng giờ không cần ngắt hơi. Khi biểu diễn, tùy thuộc vào nội dung bài hát, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón bấm, ngón vuốt, ngón vỗ trên thân kèn… để tạo ra những âm thanh bay bổng, dồn dập, da diết nhưng phù hợp với khung cảnh diễn ra nghi lễ.

Pí lè thường có hai kích cỡ to, nhỏ khác nhau, khi thổi phải có hai người thổi cùng nhau, hai thứ âm thanh to, nhỏ hòa quyện tạo cảm xúc tưng bừng, nhộn nhịp./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT