Tin tức - Sự kiện

Hội thảo “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá”

Cập nhật: 24/09/2008 16:41:06
Số lần đọc: 1938
Đây là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam khai mạc sáng ngày 24/9/2008 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm khai mở và bước đầu tìm hiểu các vấn đề cụ thể của Hậu - hiện đại trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.       

Trong nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế thị trường, nền văn minh tiêu thụ cùng với sự lên ngôi của truyền thông và quá trình toàn cầu hoá đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của xã hội Việt Nam, trong đó có văn hoá, nghệ thuật. Vấn đề Hậu - hiện đại đã nảy sinh, có mặt trong nhiều lĩnh vực như văn học, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc … với những hình thái, đặc thù dân tộc riêng của nó. Cụm từ Hậu- hiện đại đã được nhắc tới trên các diễn đàn nghệ thuật và xuất hiện rải rác trên truyền thông, báo chí, nhưng chưa có một cuộc hội thảo chính thức nào đi sâu tìm hiểu về các vấn đề này cũng như tác động của nó đối với đời sống xã hội hiện nay. Hội thảo “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” là một trong những hoạt động gợi mở cho những bước đi sâu tìm hiểu về vấn đề còn khá nhiều mới mẻ này.

20 tham luận tại hội thảo đã đề cập đến khá nhiều góc độ của nghệ thuật Hậu - hiện đại như: Ảnh hưởng của văn hoá truyền thông đối với mỹ cảm của giới trẻ Việt Nam hiện nay; Chủ nghĩa hậu hiện đại biểu hiện trong mỹ thuật Việt Nam; Những suy nghĩ về sự hình thành nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam; Điêu khắc và cuộc hành trình hiện đại; Mỹ thuật Việt Nam thời WTO…

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng những biểu hiện của văn hoá Hậu - hiện đại ở Việt Nam (trong đó có nhiều hình thức thể nghiệm mới như sắp đặt, trình diễn, body – art, video – art, digital – art…) đang có những ảnh hưởng nhất định đối với thẩm mỹ xã hội, nhất là giới trẻ. Sự ra đời, ảnh hưởng của nghệ thuật Hậu - hiện đại là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hoá, khi khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp nhận nó đến đâu, như thế nào lại đang cần những định hướng cụ thể để có thể vừa thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật đất nước, vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật Hậu - hiện đại đang khẳng định thế mạnh của nó trong việc mở ra khả năng vô hạn của chất liệu sáng tác, gần gũi và dễ hòa nhập với công chúng bởi nó không quá phân định ranh giới giữa khái niệm bác học và bình dân…do đó cũng rất dễ hoà đồng với xu hướng xã hội hoá văn học nghệ thuật…

Tuy nhiên, cũng với sự mở rộng vô hạn của khả năng sáng tạo và biểu hiện, không ngoại trừ con đường dẫn đến những xu hướng cầu kỳ, hư danh, núp bóng nghệ thuật nhưng kỳ thực không ai hiểu. Việc tiếp cận nghệ thuật Hậu - hiện đại, phát triển văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hoá, cùng với những định hướng chiến lược, chính sách quản lý văn hoá, các mô hình quản trị nghệ thuật của nhà nước, thì “bản lĩnh” của những người sáng tạo nghệ thuật trong việc xác định được giới hạn cần thiết là hết sức quan trọng. 

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT