Phục hồi Di tích Đông Khuyết Đài thuộc Đại nội Huế
Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng ở chính giữa mỗi mặt thành một khuyết đài lấy tên theo bốn hướng: Nam Khuyết Đài, Đông Khuyết Đài, Tây Khuyết Đài và Bắc Khuyết Đài. Đông Khuyết Đài có diện tích 1.783m² nằm ở chính giữa mặt Đông của Hoàng thành Huế. Phía Tây giáp Phủ Nội Vụ và vườn Cơ Hạ; phía nam giáp cửa Hiển Nhơn; phía Đông đối diện hồ Ngoại Kim Thủy và đường Đoàn Thị Điểm; phía bắc là tường của Hoàng thành. Đến năm 1839, vua Minh Mạng tiếp tục cho sửa sang Đông Khuyết Đài. Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975) đến khi thực hiên dự án, Đông Khuyết Đài vẫn trong tình trạng hoang phế.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, di tích Đông Khuyết Đài được xây dựng với chức năng phòng thủ, đảm bảo an ninh cho kinh thành của nhà Nguyễn. Vì vậy, đến khi triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, sụp đổ thì chức năng phòng thủ của công trình này cũng không còn.
Di tích Đông Khuyết Đài không mang trên mình lối kiến trúc phòng thủ khác với các công trình khác của triều Nguyễn, nhưng với vị trí đối xứng với di tích Tây Khuyết Đài qua trục Dũng đạo, Đông Khuyết Đài và các công trình khác có cùng chức năng đã tạo nên một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh cho hệ thống kiến trúc Hoàng thành Huế nói riêng và Kinh thành Huế nói chung./.