Làng đồng Phước Kiều (Quảng Nam)
Làng đúc đồng Phước Kiều nằm trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là điểm dừng chân của du khách trên hành trình du lịch từ đô thị cổ Hội An đến thánh địa Mỹ Sơn. Với bề dày truyền thống, làng đúc đồng Phước Kiều đang “tìm kiếm” cho mình một thương hiệu với bao điều trăn trở!
Nối nghề?
Nghệ nhân Dương Nhi năm nay đã ngoài 80 tuổi, là một người dày dạn kinh nghiệm trong nghề đúc đồng ở Phước Kiều cho biết: tổ của nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều là ông Dương Không Lộ, quê gốc ở tỉnh Lạng Sơn. Dưới triều Nguyễn, ông Dương Không Lộ theo chân của những người Nam tiến đã dừng chân tại phủ Điện Bàn, khai khẩn đất hoang để gây dựng nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều. Sau đó, nhiều thế hệ con cháu dòng dõi họ Dương cũng di cư vào dải đất miền Trung và tập trung lập nghiệp ở phủ Điện Bàn. Cho đến nay, nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều đã tồn tại hơn 400 năm và đến ông Nhi đã là đời thứ 24! Theo ông Nhi, từ xưa làng đúc đồng Phước Kiều từng vang bóng trong các không gian lễ hội và các công trình kiến trúc. Dưới triều Nguyễn, các vị vua mời nhiều nghệ nhân giỏi từ làng đồng Phước Kiều về kinh đô Huế để đúc các tác phẩm nghệ thuật trang trí và nhiều đồ gia dụng khác. Trải qua hàng năm, làng đồng Phước Kiều càng dày dạn kinh nghiệm, tạo tác ra nhiều sản phẩm có giá trị văn hoá cao và mang tính đặc trưng chuyên biệt mà cả nước không nơi nào làm được!
Có những thời điểm thăng trầm của lịch sử, làng nghề đúc đồng Phước Kiều tưởng chừng như không trụ được trước nguy cơ mai một. Đặc biệt, những năm trước thập niên 90 việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của làng đồng Phước Kiều đã trở thành một thách thức lớn đối với làng này“kế nghiệp”. Mặc dù thế, nhiều thế hệ con cháu họ Dương vẫn “bám” nghề đúc đồng của cha ông họ để lại với hi vọng một ngày gần nhất sẽ được thịnh hành. Anh Dương Ngọc Long (39 tuổi) là một người con trai út của ông Nhi đã theo nghề của cha mình hơn 25 năm nay, tâm sự: “Đúc đồng là nghề truyền thống của tổ tiên để lại, con cháu phải có nghĩa vụ gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau, dù thế nào cũng đừng để nghề đúc đồng mai một. Trước đây, rất nhiều người đã bỏ nghề vì ế ẩm, vì không cạnh tranh nổi cùng một số mặt hàng công nghệ cao. Sau này, có người đã khuyên tôi nên đi học một nghề gì khác để thay đổi cuộc sống, nhưng nghề đúc đã ăn sâu vào tiềm thức, trong từng giọt máu thứa thịt”.
Qua tìm hiểu, hiện nay gia đình ông Nhi có 4 người con làm nghề đúc đồng tại gia đình. Cùng với đó, người em ruột ông Nhi là ông Dương Ngọc Sang cũng là một nghệ nhân có tiếng tăm trong làng nghề đúc đồng ở Phước Kiều có đến 3 người con nối nghiệp truyền thống của tổ tiên. Được biết, hiện nay làng đúc đồng Phước Kiều có rất nhiều gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ đương thời nối nghiệp đúc đồng truyền thống của gia tiên truyền lại.
Bao giờ có thương hiệu đồng Phước Kiều?
Để có được một sản phẩm tốt (nhất là các loại nhạc khí) các nghệ nhân ở làng đồng Phước Kiều tốn khá nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ để tạo khuôn. Khuôn được tạo bằng đất sét, qua nhiều công đoạn. Tuy không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi sự khéo léo và khiếu thẩm mỹ cao. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam đánh giá: "Những sản phẩm đặc trưng như độc bình, mặt trống đồng, xoong nồi, chảo, muỗng, cối xay tinh bột sắn... thể hiện bàn tay tài hoa và tâm hồn tinh tế của người dân bản địa". Còn nghệ nhân Dương Thanh Sang (em ruột của ông Nhi) là một người có trình độ thẩm âm các nhạc cụ dân tộc thì cho rằng: "Về âm thanh, âm sắc của những nhạc cụ dân tộc từ Nam Đông - A Lưới (các vùng dân tộc miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế) đến tỉnh Bình Phước hay kể cả một số nhạc cụ của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên đều do làng đồng Phước Kiều cung cấp".
Do trình độ thẩm âm, các nghệ nhân làng đồng Phước Kiều đều hiểu được âm sắc từng nhạc cụ của các dân tộc nên các sản phẩm làm ra đều có sức lan toả, nhất là trong các lễ hội văn hoá miền núi tỉnh Quảng Nam, Tây Nguyên... Sản phẩm làm ra của làng đúc Phước Kiều không chỉ là những nhạc cụ dân tộc mà còn có cả tượng, phù điêu và các mặt hàng trang trí khác. Trước đây, làng đồng Phước Kiều không chỉ sản xuất để phục vụ người dân địa phương mà có lúc đã xuất sang các tỉnh miền núi Campuchia, Lào các sản phẩm như lư đồng, đèn đồng...
Những năm trở lại đây, làng đồng Phước Kiều đã thực sự là tâm điểm trong các làng nghề truyền thống của Quảng Nam. Với danh tiếng lâu đời, ngành du lịch đã đưa làng đồng Phước Kiều trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Đã từng tổ chức trưng bày trong các lễ hội “hành trình di sản”, có một số mặt hàng được trưng bày ở các lễ hội Festival Huế... Ngoài ra, làng đồng Phước Kiều đã trở thành điểm thăm quan mà du khách trong và ngoài nước không thể bỏ qua. Đặc biệt, trong tháng 10/2006 làng đúc đồng Phước Kiều đã được Tổng cục Du lịch chọn làm địa điểm tham quan của các Bộ trưởng Du lịch tham gia hội nghị APEC 2006. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu cho làng đồng Phước Kiều cũng là vấn đề nan giải. Bởi trong thời kì hội nhập hiện nay, làng đúc đồng Phước Kiều chỉ là một làng nghề truyền thống và thuần tuý. Vẫn chưa có sự bảo chứng cho một thương hiệu! "Về mặt truyền thống và chất lượng của đồng Phước Kiều thì không còn gì phải bàn luận, nhưng về mặt tâm lý của người dân cũng cần tạo cho họ một “thương hiệu” để đảm bảo tính độc quyền của sản phẩm", ông Hài trăn trở.
Hướng đi nào cho một làng nghề truyền thống?
Theo thống kê của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), hiện nay làng nghề đúc đồng Phước Kiều có 18 cơ sở sản xuất, một doanh nghiệp tư nhân và một hợp tác xã làm nghề đúc đồng, trên hàng trăm lao động thường xuyên. Trước đây, làng đồng Phước Kiều gần như “chết”, do thu nhập thấp, không tin tưởng vào làng nghề truyền thống có thể phát triển nên nhiều người trong làng đồng Phước Kiều đã chuyển đổi sang nghề khác. Vì vậy mà số người lao động trong nghề này đã đi vào hướng giảm dần.