Trình UNESCO xét công nhận Quan họ là di sản thế giới
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Quan họ là một trong những loại hình dân ca đặc trưng của Việt Nam, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt Quan họ thường gắn liền với lễ hội, nhất là lễ hội đình, chùa.
Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp giữa một bên nam gọi là liền anh và một bên nữ gọi là liền chị. Ở đó, lời ca, câu hát được sáng tạo một cách tài tình, đầy cảm xúc, làm say đắm lòng người.
Trang phục của các liền anh, liền chị khi hát Quan họ cũng mang một nét đặc trưng riêng như liền chị phải mặc áo tứ thân, đầu vấn khăn mỏ quạ, tay mang nón quai thao. Còn liền anh chỉnh chu với áo dài, khăn đống.
Là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ, song hát Quan họ được phát triển mạnh nhất ở vùng Kinh Bắc xưa, nay là tỉnh Bắc Ninh. Hiện Bắc Ninh còn gần 30 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ.
Ngày nay, dân ca Quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu Quan họ ngày càng phong phú hơn và đều có phong cách riêng.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu Quan họ được vinh danh, thì đây sẽ là di sản văn hóa thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên.
Bà Lý cũng cho biết thêm tháng 3/2009, Việt Nam sẽ trình UNESCO xét công nhận Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.