Non nước Việt Nam

Khám phá vũ điệu dân gian Tây Bắc

Cập nhật: 11/12/2013 10:25:12
Số lần đọc: 2417
Bên cạnh sự hùng vĩ của núi non Tây Bắc còn làm đắm say lòng người bằng những vũ điệu dân gian. Những điệu múa dân gian vùng Tây Bắc vừa mang đậm bản sắc văn hóa, là một sinh hoạt mang tính cộng đồng, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân vùng cao.

Điệu múa bắt gặp nhiều nhất là điệu xòe đặc trưng của người Thái. Vào những dịp lễ hội hay những cuộc vui, có thể múa xòe quanh đống lửa, quanh hũ rượu cần với sự tham gia đông đảo của mọi lứa tuổi trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Mọi người nắm tay nhau nhảy theo điệu xòe, như sợi chỉ tơ gắn kết con người với nhau, tăng sự hiểu biết, đoàn kết.

Trong khi đó, múa sạp là điệu múa đặc sắc của dân tộc Mường trong những dịp vui, lễ hội và nay nhân rộng ra nhiều dân tộc khác. Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa. Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau khoảng rộng vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cặp sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay, tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội hình càng phong phú sinh động.

Còn múa khèn là múa dân gian dân tộc Mông trong các cuộc vui, trong hội hè có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa.

Ngoài ra các dân tộc khác vùng Tây Bắc cũng có những điệu múa dân gian riêng như những vũ điệu đầy sức hấp dẫn với các động tác lắc mông, lượn eo uyển chuyển của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun thật sinh động và quyến rũ, hay điệu múa chuông nổi tiếng của dân tộc Dao.../.
Nguồn: dienbien

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT