Non nước Việt Nam

Địa điểm Âm Hồn Đàn được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Tỉnh

Cập nhật: 10/12/2013 09:46:22
Số lần đọc: 2026
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định xếp hạng di tích địa điểm Âm Hồn Đàn, phường Thuận Hòa, thành phố Huế là di tích Lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.

Địa điểm Âm Hồn Đàn nằm ở trong Kinh thành Huế, cách cửa Chính Nam (cửa Nhà Đồ) 30m về hướng Đông - Nam, cách cửa Quảng Đức - Kỳ Đài - Quảng trường Ngọ Môn khoảng 200m về hướng Tây. Địa điểm hiện nay tại số 73 đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, thành phố Huế.


Đàn Âm hồn được triều đình nhà Nguyễn cho lập vào năm 1894, tức là 9 năm sau ngày xảy ra sự kiện Kinh đô thất thủ (ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu - 1885) để làm nơi tưởng niệm những đồng bào, binh sĩ yêu nước đã anh dũng hy sinh, không chịu khuất phục trước áp bức của thực dân Pháp.


Trải qua thời gian, ngày nay, Lễ cúng những vong linh đã hy sinh trong biến cố Kinh đô Huế không chỉ được tổ chức ở các am miếu, đền, chùa, chợ... mà còn ở tất cả các gia đình ở Thừa Thiên Huế. Đối với nhân dân Huế, ngày kỷ niệm Kinh đô thất thủ hàng năm đã đi vào tâm thức của mọi người, trở thành truyền thống thiêng liêng. Ngày đó được xem là ngày “Đại lễ”, đây là một truyền thống đạo lý cao đẹp, mang nét đặc trưng văn hóa tâm linh riêng của người dân xứ Huế.


Theo các nhà sử học Việt Nam và Thừa Thiên Huế, giá trị lịch sử, văn hóa của Âm Hồn Đàn vừa mang tính “Quốc đàn”, vừa mang tính “Dân đàn”, là di tích có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước nói chung và vùng đất Thừa Thiên Huế nói riêng, gắn liền với sự kiện lớn của đất nước, sự kiện Kinh đô Huế thất thủ.


Hơn 100 năm hình thành và tồn tại, những lễ hội hàng năm được tổ chức tại Âm Hồn Đàn đã trở thành địa chỉ quen thuộc gắn bó với người dân xứ Huế. Việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa tại di tích địa điểm Âm Hồn Đàn là hết sức cần thiết cho hôm nay và mai sau.
Nguồn: thuathienhue.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT