Non nước Việt Nam

Bắc Kạn: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then- đàn Tính

Cập nhật: 17/12/2013 09:40:07
Số lần đọc: 3208
Hát Then, đàn Tính là hình thức nghệ thuật tín ngưỡng được những người dân đặc biệt là các dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh yêu thích. Hát Then, đàn Tính ngoài nghệ thuật diễn xướng đặc sắc còn là loại hình dân ca tín ngưỡng gắn với tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng và có sức sống mãnh liệt bởi nội dung chứa đựng tính nhân văn sâu sắc.

Nghệ thuật hát Then, đàn Tính luôn gắn với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Về cơ bản hát Then vẫn được duy trì trong đời sống cộng đồng qua các nghi lễ, tập tục theo vòng đời như lễ kì yên, giải hạn, lễ nối khố, lễ cấp sắc…Tuy nhiên, ngoài yếu tố tâm linh, hát Then có rất nhiều cung đoạn gắn bó chặt chẽ với đời thực nên phần lớn đồng bào Tày, Nùng đều yêu thích và những giá trị của hát Then đã gắn bó và đi vào đời sống của dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh từ lâu đời. Trong hát Then là diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm cả văn học, âm nhạc, hội hoạ, múa và trò diễn. Đây là loại hát mang tính chất lễ và hội. Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để chúc phúc, cầu được mùa, Then còn có ý nghĩa vui chơi khi Tết đến xuân về, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu trai gái hoặc ngợi ca quê hương, bản làng... Hát Then có một số loại hình thể hiện với những chức năng chính như: Then Kỳ Yên (cầu an); Then cầu mùa, Then chúc tụng; Then chữa bệnh; Then cấp sắc (Lẩu Then)….

Hát Then thường được kết hợp với múa chủ yếu là múa trong nghi lễ như một số điệu múa Sluông (thuông) khi cấp sắc (lẩu then). Việc múa được một hoặc vài người đảm trách ngón tay đeo xóc nhạc, xóc theo nhịp múa mô phỏng việc chèo thuyền đưa quân binh của then vượt biển (cung khảm hải) để nạp lên thiên đình , Múa chầu tường (chầu Slay) được múa trong lễ đi sứ, hội then khi quân then đến cửa chầu tướng, lúc này có một người học trò (lục slay) tay đeo nhạc múa trước mâm tướng, sau đó múa đến trước bàn thờ tổ tiên và cả Then đánh đàn Tính mà múa theo….

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn Then được diễn xướng dưới hai hình thức Then cổ và Then phát triển nâng cao. Một số nghệ nhân có uy tín trong Then như ông Then Bạo (Lưu Đình Bạo, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn), Then Quyết (Nông Trọng Quyết, Chợ Đồn)… Những nghệ nhân này đã giữ được nét cơ bản của nghệ thuật diễn xướng Then cổ của dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh. Họ là những người có kiến thức, sự am hiểu phong phú về nghệ thuật diễn xướng Then Bắc Kạn ngoài cái chung trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng còn mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, không trộn lẫn với các vùng khác.  Ngoài yếu tố tâm linh trong nghệ thuật diễn xướng then cổ mang giá trị nghệ thuật cao, ở đó  ta tìm thấy nội dung nhiều câu chuyện kể dân gian có tính giáo dục như truyện Đổng Vĩnh, truyện Vượt Biển… Những câu chuyện đó được viết thành thơ, được các Then, Pụt…chuyển tải bằng hệ thống làn điệu riêng cùng cây đàn tính và bộ xóc nhạc. Tùy từng vùng, từng khu vực trong tỉnh mà làn điệu có đôi chỗ khác nhau chút ít song về cơ bản trong các buổi trình diễn, các nốt nhạc ít thay đổi. Riêng về Pụt thì cao độ, trường độ trong quá trình biểu diễn có phần đa dạng hơn nhiều so với Then.

Đặc biệt hơn Bắc Kạn có những vùng có làn điệu dân ca mượt mà, tại đây đã thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính như xã Liêm Thủy, Na Rì, Yên Cư (Chợ Mới), các đội văn nghệ tại xã Nam Mẫu (Ba Bể). Tỉnh Bắc Kạn đã có hai nghệ sỹ thành danh từ nghệ thuật hát Then, đàn Tính đó Là Nghệ sỹ ưu tú Đinh Bích Hồng và nghệ sỹ ưu tú Nông Văn Khang đều là những người con của quê hương Bắc Kạn.

Hiện nay, ngoài hình thức then cổ nguyên bản, nghệ thuật diễn xướng Then phát triển và nâng cao đã chiếm được cảm tình của đông đảo người xem. Trong các Hội diễn lớn nhỏ, các liên hoan ca, múa nhạc chuyên nghiệp hầu như các tiết mục của đoàn Bắc Kạn tham gia đều dựa trên chất liệu Then. Đáng mừng hơn hầu như các tiết mục đều được đánh giá cao về nghệ thuật cũng như hình thức biểu diễn và đoạt giải cao, để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả. Trong Liên Hoan Hát Then đàn Tính toàn quốc lần thứ III, là đơn vị đăng cai Bắc Kạn đã khẳng định được những giá trị nghệ thuật diễn xướng Then độc đáo trong Then nguyên bản hay trong Then phát triển và nâng cao. Trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, Ngày Hội Văn hóa vùng Đông Bắc, Liên hoan Hát Then đàn tính toàn quốc lần thứ IV và nhiều  liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp khác…Đoàn Bắc Kạn vinh dự nhận nhiều Huy chương Vàng trong đó đa số là các tiết mục dựa trên chất liệu Then.

 Đặc biệt, hình thức sân khâu hóa trong diễn xướng Then đã được khán giả nhiệt tình hưởng ứng. Các tiết mục đã truyền tải cho khán giả cả nước những nét đặc sắc của nghệ thuật diễn xướng Then trong tỉnh đặc biệt là các làn điệu then cổ nhằm tôn vinh các nghệ  nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng Then.  Đồng thời, quảng bá đến mọi miền Tổ quốc về nghệ thuật hát Then, các loại nhạc cụ dùng cho hát Then của Bắc Kạn với những nét chung trong văn hóa Tày, Nùng cùng với nét riêng trong nghệ thuật diễn xướng Then của người Tày, Nùng Bắc Kạn.

Tuy nhiên hiện nay nhiều làn điệu truyền thống mất dần môi trường tồn tại, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ suy giảm, nghệ thuật diễn xướng Then cũng nằm trong thực trạng này. Hơn thế bảo tồn hát Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ Dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát Then - đàn Tính nhằm từng bước chuẩn bị cho việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát Then - đàn Tính là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm mong mỏi của đông đảo người dân, những nghệ nhân, những nhà văn hóa và những người yêu thích giai điệu Then.

Hát Then là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Trải qua thời gian, những sản phẩm văn hóa này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Hát then luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân, là niềm tự hào đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Trên thực tế, nếu không tranh thủ khai thác để các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ sau thì giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này sẽ dần bị mai một../.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT