Non nước Việt Nam

Lễ hội Căm Mương của dân tộc Lự - Lai Châu

Cập nhật: 23/12/2013 11:00:57
Số lần đọc: 2094
Hằng năm, bà con dân tộc Lự xã Nâm Tăm (Sìn Hồ, Lai Châu) vẫn thường trang trọng tổ chức lễ Căm Mương truyền thống, coi đó là dịp để bà con dân bản dâng tế lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng phù hộ cho bà con dân bản được ăn nên làm ra, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.

Lễ Căm Mương mở đầu với phần lễ thỉnh thần. Theo đó, thầy cả đọc lời tuyên bố lýdo buổi lễ, nội dung này đề cập đến lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ Căm Mương và những người sẽ thụ lễ lần này.

Tiếp sau đó là phần lễ khấn cầu. Cuộc lễ bắt đầu sau khi các thầy lạy ba lạy rồi đọc lời cúng. Tạm dịch là: Núi rừng mang hồn nước/ Khe suối lượn hình sông/ Thần rồng bay lượn múa/ Phun nước tưới ruộng đồng/ Cho ngô lúa trổ bông/ Cho mùa vàng trĩu quả.

Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào để làm âm vang, linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng.

Sau lễ Căm Mương thì mọi người cảm thấy thoải mái, tự tin hơn cho việc sản xuất mùa vụ sắp tới. Họ tin rằng các vị thần sau khi nhận lễ sẽ phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà.

Như lời của thấy cúng: Từ nay mường bản yên lành/ Tâm linh đã vẹn, vạn điều bình yên/ Chiều tàn bóng núi trao nghiêng/ Hồn thiêng sông núi về nơi gió ngàn/ Phù hộ mường bản bình an/ Trăm điều hạnh phúc muôn ngàn điều hay/ Một ngày mới được đổi thay/ Dòng tộc đoàn kết chung tay xây mường.

Ngay khi kết thúc phần lễ là đến phần hội, hai chàng trai cùng thổi sáo mẹ, sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình. Những lời hát tuy mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó là ý nghĩa nhân văn cao cả, đó cũng là lời gửi gắm, nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng mường bản ngày càng ấm no hạnh phúc. Cùng với các bài hát thì các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, đánh gối cũng được người Lự rất ưa thích.

Ngày nay, lễ Căm Mương đã loại bỏ hoàn toàn yếu tố mê tín dị đoan, mà thay vào đó là đề cao vai trò của những sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính cộng đồng, làm tăng thêm sự gắn kết trong mỗi cộng đồng làng bản. Chính vì vậy, lễ hội này cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, trở thành nét đẹp trong vốn văn hoá dân gian mang đậm bản sắc riêng của người Lự./.

Nguồn: baovanhoa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT