Non nước Việt Nam

Cấp sắc - nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc sắc của người Dao

Cập nhật: 20/01/2014 09:03:56
Số lần đọc: 2607
Ngày 31/10/2013, loại hình tôn giáo tín ngưỡng Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại Tuyên Quang đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3820/QĐ- BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sự tích về lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng: Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng với quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. 

 

Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Dao, dù bất cứ ở ngành Dao nào. Đây là thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành. Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. 


Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2, họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Thường là một lễ cấp sắc 3 đèn thì cần 3 thầy, 7 đèn thì 7 thầy. Ông thầy cả gọi là chí chẩu sai hoặc cô tàn sai, các thầy phụ gồm: Dần chái, tình mình, pá tạn, tông tàn. Ngày hành lễ cấp sắc thường được tiến hành vào những tháng cuối năm. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1 đến 2 ngày; cấp sắc 7 đèn kéo dài 3 đến 5 ngày.


Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, sau đó thầy cúng làm lễ khai đèn. Lễ thụ đèn, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Đặc biệt, trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tại đạo sắc này tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa. Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Từ đây chàng trai thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh, được cả cộng đồng công nhận có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng. Và cũng từ hôm đó, họ phải gọi các thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho mình là cha. Thông qua nghi lễ cấp sắc, cộng đồng dân tộc Dao đề cao tính giáo dục luân thường đạo lý truyền thống đối với nam thanh niên Dao. Lễ cấp sắc được coi là một hoạt động tôn giáo mang nét văn hóa truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân bằng các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội trong cộng đồng các ngành Dao ở Tuyên Quang bao gồm: Dao Áo dài, Dao Coóc Mùn, Dao Coóc Ngáng, Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng, Dao Ô Gang, Dao Tiền, Dao Thanh Y.


Tuy nhiên, theo ông Bàn Văn Tiến ở xã Trung Minh (Yên Sơn), một thầy cúng đã từng làm lễ Cấp sắc cho rất nhiều gia đình người Dao ở trong vùng thì hiện nay Lễ Cấp sắc đã được lược giảm bớt đi rất nhiều thủ tục như rút ngắn thời gian, chi phí tổ chức cho việc ăn uống không còn kéo dài linh đình như trước nhưng nhiều gia đình người Dao có con trai, nhất là lớp trẻ có xu hướng coi việc Cấp sắc có hoặc không làm cũng được. Vấn đề này dẫn đến nguy cơ Lễ Cấp sắc không còn mang đặc trưng nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người Dao.  


Lễ Cấp sắc của người Dao vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và cộng đồng các dân tộc ở Tuyên Quang nói chung. Đây cũng là điều kiện tốt để thế hệ trẻ người Dao ở tỉnh ta kế thừa và phát huy làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT