Bản Tắn (Hà Giang): Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Tày
Cứ độ này, dường như hết thảy người dân ở thôn Bản Tắn, xã Phú Nam (Bắc Mê) lại nhộn nhịp, đông vui hơn hẳn...; trên những cành cây như thúc giục, những chú chim rừng đua nhau ríu rít “gọi chào” Xuân về. Tiếng mõ trâu, tiếng kẽo kẹt của khung cửi... mỗi lúc một nhanh, một dồn dập hơn... Bên mỗi góc nhà, không mấy lạ khi chúng tôi bắt gặp các chị em đang thoăn thoắt đưa thoi dệt vải – cái “sự” đã không mấy còn ở thời điểm này... Bởi theo dòng chảy của thời gian và sự tác động của nền kinh tế thị trường, những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một và dần mất đi...; và nhất là khi, những giá trị văn hóa – điển hình là các nghề thủ công truyền thống không có “giá trị” kinh tế, thì việc đảm bảo cho sự duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống là rất khó.
Nói đến đây, chúng ta cũng phần nào hiểu được tại sao đến ngày hôm nay, dù không cần đến sự hỗ trợ, người dân ở thôn Bản Tắn, xã Phú Nam (Bắc Mê) vẫn duy trì được nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày. Phải nói rằng đó là cả một quá trình cho sự cố gắng, không chỉ bởi nghề dệt mang lại giá trị “kinh tế” mà nó còn thể hiện lên giá trị văn hóa truyền thống riêng của họ – là hai yếu tố đảm bảo cho sự duy trì nghề dệt vải của người Tày tại Thôn Bản Tắn, xã Phú Nam (Bắc Mê).
Đến đây, chúng tôi có cơ hội được khảo sát và thăm thú “thôn dệt” vải – Bản Tắn của người Tày. Mọi thứ không quá cầu kỳ như chúng tôi nghĩ bởi trong mỗi gia đình đều có từ một đến hai khung cửi được làm từ gỗ xoan. Nguyên liệu “truyền thống” để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, vì điều kiện khí hậu không thuận lợi và tính thị trường nên việc trồng bông kéo sợi đã không được duy trì, thay vào đó mọi người trong thôn sẽ đi mua chỉ màu tại chợ để rút ngắn thời gian dệt vải. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, từ đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ
Hiện nay, trong thôn có 160 hộ thì có tới 100 hộ gia đình duy trì dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm được các bà mẹ lưu truyền bằng cách dạy dệt sớm cho các bé gái có tuổi từ 8-9 tuổi, để đảm bảo kỹ năng được rèn giũa, đồng thời có “của” đem về nhà chồng.
Việc dệt vải được các cô, các chị tiến hành sau khi làm xong công việc đồng áng và khoảng thời gian nhàn rỗi vào buổi trưa hay buổi tối để dệt vải. Trong một tháng “đều tay” các cô, các chị sẽ dệt được khoảng 15 tấm vải thổ cẩm có chiều dài 20m và rộng 40 phân, đối với vải trắng cũng với chiều dài và kích thước như vậy nhưng chỉ cần 1 ngày là sẽ dệt được một tấm. Sau khi dệt xong, các sản phẩm dệt sẽ được cất trữ vừa đủ để giành cho những dịp tết, cưới xin, ma chay... hoặcmay thành chăn, màn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc. Còn lại sẽ được đem ra các chợ bán: chợ Huyện, chợ Bảo Lâm (xã Thái Học -Cao Bằng), chợ Yên Hoa (Na Hang-Tuyên Quang)... Tùy vào sản phẩm dệt, người dân Bản Tắn sẽ bán với giá từ 300-600 nghìn/1 tấm...
Trong thời gian tới, để đảm bảo cho sự duy trì và phát triển của nghề dệt thổ truyền thống ở thôn Bản Tắn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đầu ra cho sản phẩm. Chiều buông, sương rơi đẫm áo; mùi Nếp nương gió “đưa hương” thơm nức... Bên bếp lửa hồng, bóng ai vẫn ngồi say sưa đưa thoi thoăn thoắt... mong rằng đêm dài thêm chút nữa./.