Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, huyện Sa Pa có trên 20 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm, tập trung ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Nậm Sài và Thanh Kim.
Chị Thào Thị Pai chăm chú với từng mũi kim trên tấm thổ cẩm sẫm màu. Đã 5 năm nay, mỗi khi kết thúc mùa vụ, chị cùng bà con trong thôn lại tới Câu lạc bộ nghề thêu thổ cẩm xã Tả Phìn (Sa Pa) nhận hàng về thêu, góp phần tăng thu nhập. Với sự khéo léo và chăm chỉ, mỗi tháng chị Pai có thêm từ 400.000 - 500.000 đồng từ nghề phụ này. Số tiền không lớn nhưng giúp chị trang trải một phần chi phí học tập của các con. Bên cạnh việc làm sản phẩm theo đơn đặt hàng, chị cũng sáng tạo nhiều mẫu thêu độc đáo, rồi bán lẻ cho khách du lịch.
Trung tâm xã Tả Phìn là nơi tập trung khá nhiều thợ thêu thổ cẩm lành nghề. Tuy không phải là nghề chính, cho mức thu nhập cao, nhưng họ đều làm bằng tất cả sự say mê, yêu thích. Tranh thủ lúc nông nhàn, hàng trăm phụ nữ người Mông, Dao nơi đây lại tự tay thực hiện những bức thêu thổ cẩm theo mẫu sẵn có để giao cho câu lạc bộ, ngoài ra họ cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu thêu độc đáo rồi bán lẻ cho khách du lịch. Nếu như trước đây, hội viên câu lạc bộ chỉ biết thêu thì đến nay, họ có thể hoàn thiện sản phẩm của mình bằng cách may, khâu thành những vật dụng hữu ích, như túi, khăn, ví, quần áo, mũ… Sự thay đổi tích cực này đã nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm và giúp cuộc sống người làm nghề vơi bớt khó khăn.
Câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm của xã San Sả Hồ hiện có 117 hội viên. Chị Má Thị Sơ, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Khi có đơn hàng, câu lạc bộ sẽ tập hợp hội viên, tùy theo khả năng, hội viên tự nhận hàng về làm theo mẫu, đến hẹn thì giao hàng, rồi nhận tiền công. Hiện, 50% hội viên đã sắm được máy khâu, phục vụ làm nghề.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, huyện Sa Pa có trên 20 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm, tập trung ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Nậm Sài và Thanh Kim. Dù giá trị kinh tế đem lại từ nghề thổ cẩm là không lớn, nhưng hoạt động của các mô hình này đã giúp Sa Pa bảo tồn, phát triển nghề thêu thổ cẩm một cách tích cực. Bên cạnh nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Mông, Dao, gần đây nghề thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Xa Phó cũng được lưu giữ, phát triển tại tổ, nhóm thêu thổ cẩm. Tham gia câu lạc bộ hoặc tổ, nhóm phát triển nghề thêu thổ cẩm, hội viên không chỉ được hỗ trợ học nghề, kỹ thuật, nguyên - phụ liệu, mà còn được tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Với cách làm này, một lượng lớn lao động tại chỗ của địa phương đã có việc làm, cải thiện cuộc sống.
Bà Hà Thị Lân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sa Pa cho biết: Nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ nghề thêu thổ cẩm truyền thống là mục tiêu mà Sa Pa đang hướng tới. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên lượng sản phẩm tiêu thụ giảm sút đồng thời thổ cẩm địa phương lại chịu sự cạnh tranh của các mặt hàng nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm còn yếu trong hoạt động. Đa phần, các câu lạc bộ chưa chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chủ yếu nhờ sự giới thiệu của tổ chức hoặc liên kết với doanh nghiệp du lịch. Việc “bị động” như vậy khiến hội viên thường thiếu việc làm, câu lạc bộ chỉ hoạt động tích cực khi có đơn hàng. Ngoài ra, do cơ sở vật chất hạn chế, hội viên tự nhận hàng về nhà làm, khâu quản lý chất lượng thêu, hướng dẫn kỹ thuật cho chị em chưa được thường xuyên, kịp thời, nên không ít trường hợp hội viên làm không đúng kỹ thuật, bị trả lại sản phẩm hoặc không giao sản phẩm đúng thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng lô hàng, mất niềm tin với đối tác.
Lưu giữ nghề truyền thống là cách làm du lịch bền vững mà nhiều địa phuơng trong cả nước đang thực hiện. Nghề thêu thổ cẩm của các dân tộc huyện Sa Pa đã và đang có những bước đi phù hợp để thích ứng, tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, để nghề truyền thống này phát triển hơn nữa, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà đầu tư./.