Về Đồng Tháp ghé thăm làng nghề làm thớt
Từ xa xưa, người dân ở đây thường chuyên chở, mua bán hàng hoá, nông sản bằng ghe xuồng đến các tỉnh ở xa và khi trở về thường mua lá lợp nhà, mua cây mù u - một loại gỗ rất chắc thường mọc hoang ven sông để làm cột nhà, làm rui, làm mè… Phần thừa gỗ mù u còn lại sau khi làm nhà, người dân ở đây cưa ra làm thớt để bán. Gỗ mù u là loại gỗ phù hợp nhất để làm thớt vì khi chặt, xắt hay băm,… gỗ của thớt mù u không bị băm nát và lưu lại vết đen như các loại thớt khác. Lâu dần tiếng đồn vang xa, ai ai cũng đều biết nơi sản xuất thớt tại vùng Định An này mà từ đó hình thành nên làng nghề truyền thống.
Dân gian có câu hỏi đùa về tên của loại cây rằng: “Đố ai biết cây nào vừa bị tật nguyền lại còn bị tai nạn?”. Câu trả lời là “cây mù u”. Đã bị ‘mù’ lại còn bị ‘u’ nữa!
Có dịp đến thăm làng nghề làm thớt, du khách luôn thấy cảnh nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng vận hành máy. Người kéo xe, kẻ phơi thớt… trông rất đẹp mắt với hơn chục hộ hành nghề dọc theo quốc lộ 54.
Hiện nay gỗ được dùng sản xuất thớt còn có thêm gỗ xoài, gỗ cây gừa, gỗ còng là loại gỗ cho vân gỗ rất đẹp từ lõi của cây còng, gỗ me cũng là một trong những loại gỗ làm thớt tốt. Để làm ra được một chiếc thớt thành phẩm, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như chọn gỗ già, sấy cho hết nhựa, xẻ thành từng miếng, phơi nắng để không bị mốc, ra vóc, đẽo, gọt láng, bào mặt… Trước đây, tất cả đều được làm thủ công; sau này nhờ có máy móc các công đoạn được thực hiện nhanh hơn như cắt khúc bằng máy cưa, lộng tròn bằng cưa lộng.
Nếu có đủ nguyên liệu, năng suất của mỗi gia đình có thể cung cấp được trên 200 thớt một ngày. Và làng nghề làm thớt Định An có thể sản xuất 1.000 tấm thớt một ngày trong những lúc cao điểm nhất là vào dịp cuối năm, đón tết Nguyên đán. Ngoài ra, bà con ở làng nghề làm thớt Định An còn sản xuất ghế gắn liền với bàn nạo dừa rất sáng tạo thay vì trước đây ghế và bàn nạo dừa là hai công cụ tách rời nhau.
Trục quốc lộ 54 chạy dọc theo con sông Hậu với không khi luôn mát, cảnh vật còn xanh là tuyến đi rất thích hợp cho tour đạp xe khám phá làng nghề, trải nghiệm cuộc sống yên bình của vùng quê Nam bộ.