Non nước Việt Nam

Đặc sắc hội “cướp” Phết Hiền Quan – Phú Thọ

Cập nhật: 14/02/2014 10:15:31
Số lần đọc: 1890
Sáng ngày 12/2/2014 là ngày chính của Lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Hàng ngàn khách thập phương và nhân dân trong vùng đổ về lễ hội để thưởng thức nét đặc sắc trong trò chơi “cướp" Phết.

Lễ hội Phết Hiền Quan gồm 2 phần chính. Ở phần lễ, các bậc cao niên thực hiện các nghi lễ hô thần nhập Phết trang trọng trong ngôi đền (thuộc cụm di tích lịch sử cấp quốc gia: Đình-Đền-Chùa Hiền Quan); tế lễ thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… Ông chủ tế (Tiên chỉ) là người quan trọng nhất trong lễ hội, được bình chọn công phu, với nhiều tiêu chí về sức khỏe, đạo đức ...

 

Quả Phết xưa được làm bằng gốc cây tre, nhưng ngày nay đã được tiện bằng gỗ tròn, đường kính khoảng 10cm, sơn màu đỏ được đặt trang trọng trong các hộp gỗ để bên trên kiệu rồng và có người đứng cạnh bảo vệ. Quả Chúi (bằng gỗ, nhỏ hơn quả Phết) cùng được tế lễ trong ngày Hội.

 

Tương truyền vào thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, để luyện quân, một nữ tướng (sau được phong tước hiệu Thiều Hoa Công chúa) đã nghĩ ra trò chơi này để tăng sức khỏe, tinh thần đoàn kết cho binh sĩ. Từ đó đến nay, năm nào xã Hiền Quan cũng tổ chức Lễ hội Phết trang trọng. Người dân làng Hiền Quan đến nay vẫn kiêng gọi tên chữ Hoa. Không người dân nào trong làng đặt tên con mình theo tự này và họ gọi từ Hoa thành "Huê" (ví dụ: huê Huệ, huê Hồng...) .Đây được coi là nét đẹp truyền thống văn hóa của địa phương. Theo phong tục của địa phương, những ai "cướp" được quả Phết trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn trong năm. Người "cướp" được quả Phết không những phải có sức khỏe mà còn phải rất mưu mẹo và vô cùng khéo léo mới thoát ra khỏi ranh giới được cắm bằng các cây nêu ở xung quanh bãi cướp Phết.

 

Phần hội được tổ chức sôi động, hào hứng, đậm chất trò chơi dân gian truyền thống. Sau phần tế lễ, 4 cụ mặc áo điều, thắt khăn điều và cầm cờ đi đón quân về (đây là tích Kéo quân). Quân lính cầm cờ xí, đánh trống vang trời kéo về nơi tế lễ. Kéo quân có 3 vòng quanh Đền. Ông chủ tế lấy quả Phết và được con cháu trong họ hàng bao quanh, sát cánh bên nhau để bảo vệ quả Phết để mang Phết ra ngoài bãi rộng ở mép sông. Ông chủ tế sẽ thực hiện phần Hò Phết (những lời răn dạy rèn luyện sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc) sẽ thả quả Phết (hoặc quả Chúi) vào một cái hố. Các thanh niên vây quanh quả Phết chờ lệnh của chủ tế.

 

Mọi người lao vào "cướp" Phết bằng tay rất sôi động. Người nào mang được quả Phết ra khỏi ranh giới của các cây nêu thì sẽ giành chiến thắng./.

Nguồn: qdnd.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT