Non nước Việt Nam

Đình Làng Túy Loan (Đà Nẵng) Khai hội đầu năm

Cập nhật: 11/02/2014 13:48:32
Số lần đọc: 1485
(TITC) Trong hai ngày mồng 9, 10 tháng Giêng đã diễn ra lễ hội đình làng Túy Loan tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với sự tham gia đông đảo các vị cao niên, nhân dân trong làng và các làng lân cận.

Lễ hội đầu xuân với nghi thức rước sắc phong và các nghi lễ: nghinh sắc, tuyên sắc, dâng hương, dâng lễ vật… nhằm tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền các tộc: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê.

 

Ngày đầu tiên chủ yếu diễn ra các nghi thức tế lễ trong đình. Đây là ngày mà các bậc tiền bối, hội đồng các chi phái tộc tập trung để hành lễ, gồm lễ rước sắc phong, nhạc lễ dâng hương tế đình giúp con cháu tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá, lập làng. Đám rước sắc phong gồm các vị cao niên trong làng cầm cờ dẫn đầu, theo sau là đội bát âm, lính lệ rồi đến kiệu rước sắc, và sau là những người dân trong làng xếp hàng dài. Lễ rước ven sông qua 4 thôn của làng Túy Loan, cánh đồng, chợ mới, chợ cũ để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà phát lộc phát tài.

 

Sau nghi lễ rước sắc phong là phần lễ: nghinh sắc, tuyên sắc, dâng hương, dâng lễ vật…

 

Ngày thứ hai thì chủ yếu là phần đua thuyền. Như đã thành thông lệ, cứ dịp xuân về thì trai làng nô nức tổ chức các cuộc tập dượt để chuẩn bị cho cuộc thi đua thuyền diễn ra ngay trên con sông quê hương. Thành phần tham gia là thanh niên, nông dân đến từ 4 đội của xã Hoà Phong: Tuý Loan, Cẩm Toại, Bồ Bản, Dương Lâm. Lễ hội đua thuyền diễn ra ngay trước đình Tuý Loan, lấy hai điểm làm mốc đường đua khi các đội đến mốc đó thì sẽ phải vặn tiêu để tiếp tục vòng đua khác. Thực chất phần hội này xuất phát từ truyền thống nông nghiệp. Bởi ngoài việc trồng lúa nước thì nghề đánh bắt tôm cá còn là nghề chính ở nơi đây. Vì thế lễ hội đua thuyền cũng thể hiện đựơc nét văn hoá của cư dân lúa nước.

 

Đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1999. Đình nằm ở vị trí thuận lợi, có cây đa, bến nước, sân đình… và không bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, nên lễ hội đình làng luôn mang sắc thái riêng, độc đáo, đậm bản sắc truyền thống.

 

Lễ hội diễn ra hằng năm nhằm tạo không khí sôi động những ngày đầu xuân và cũng là dịp để các thế hệ con cháu trong làng ôn lại truyền thống bao đời của tổ tiên, giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hóa làng xã./.
Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT