Du lịch lữ hành xứ Thanh cần được đầu tư phát triển mạnh hơn
Thanh Hóa là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa (DTLSVH) và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Theo thống kê tỉnh ta có khoảng trên 1.500 DTLSVH, trong đó có hàng trăm DTLSVH đã được xếp hạng quốc gia như Khu DTLS Lam Kinh, quần thể Di tích Đền Bà Triệu, Thành Nhà Hồ, Đền thờ Lê Hoàn, Đền Độc Cước,... Cùng với các DTLSVH tỉnh ta còn có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách cũng đã được xếp hạng đó là bãi biển Sầm Sơn với hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, suối cá thần Cẩm Lương, hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, thác Bảy tầng, Vườn quốc gia Bến En, thác Mahau, động Từ Thức... trong đó, nhiều DTLSVH và danh thắng đã được Nhà nước, chính quyền các cấp và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo tồn và phát huy hiệu quả. Các DTLSVH và danh thắng kết hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã và đang tạo cho tỉnh ta thế mạnh trong phát triển du lịch, trong đó có thể hình thành nhiều tour du lịch lữ hành lý tưởng.
Thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh, trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh ta nói chung và du lịch lữ hành nói riêng đang từng bước tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó có việc khai thác các điểm DTLSVH và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Trao đổi vấn đề này với Phòng nghiệp vụ lữ hành thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chi hội Lữ hành Thanh Hóa, được biết từ năm 2000 trở lại đây, du lịch lữ hành Thanh Hóa đã bắt đầu đi vào hoạt động mạnh, tăng nhanh về số lượng và hiện nay nhu cầu về loại hình du lịch này ngày càng cao đối với nhiều du khách trong tỉnh, trong nứớc và quốc tế. Nếu như năm 2000 toàn tỉnh mới chỉ có 2 doanh nghiệp chuyên hoạt động du lịch lữ hành, thì đến năm 2008 đã có tới 22 doanh nghiệp, trong đó có 4 công ty cổ phần, 12 công ty TNHH, trong tổng số gần 400 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số các doanh nghiệp trên, đã có 4 doanh nghiệp không chỉ kinh doanh du lịch lữ hành trong nước mà đã vươn tới kinh doanh lữ hành quốc tế. Trong hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã chú trọng tăng năng lực hoạt động, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất, dịch vụ, đào tạo cán bộ chuyên ngành, xây dựng nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, mới lạ với đầy đủ các dịch vụ đi kèm, tạo dựng thói quen sử dụng dịch vụ trọn gói. Trước kia, số lượng khách qua các công ty lữ hành Thanh Hóa còn rất ít, nhưng năm 2007 đã có hơn 22.000 lượt khách với tổng doanh thu dịch vụ du lịch của các công ty lữ hành Thanh Hóa đạt hơn 13,5 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2008 có khoảng gần 16.000 lượt khách và doanh thu ước đạt gần 9 tỷ đồng. Bước đầu, với việc hình thành các tour du lịch trọn gói gắn với các điểm di tích và thắng cảnh, du lịch lữ hành Thanh Hóa đã mở ra hướng phát triển mới và thu hút ngày càng đông du khách đến với Thanh Hóa, nhất là khách du lịch là người tỉnh ngoài và nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn thì hiện nay kết quả hoạt động du lịch lữ hành của các doanh nghiệp Thanh Hóa vẫn còn rất thấp so với tiềm năng của địa phương. Chị Vũ Thị Cúc, Phó Giám đốc Công ty Thương mại Du lịch Hữu Nghị cho biết, khả năng khai thác thị trường khách du lịch của các công ty lữ hành Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa mở rộng được thị trường để khai thác các nguồn khách, nhất là khách đi lẻ. Phần lớn khách du lịch là người Thanh Hóa đi du lịch nội tỉnh đều chọn phương thức đi du lịch tự do không qua các công ty du lịch lữ hành. Đối với khách du lịch là người tỉnh ngoài, nước ngoài khi đến Thanh Hóa thì hầu hết đều đã sử dụng dịch vụ trọn gói của các công ty lữ hành ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh ta hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ lại mới thành lập nên kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, đội ngũ cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp nên chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch lữ hành chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của khách. Trong số gần 200 lao động của các công ty lữ hành, mới có khoảng 30 lao động có trình độ đại học chuyên ngành du lịch. Vào thời kỳ cao điểm, các công ty du lịch đều rơi vào tình trạng thiếu hướng dẫn viên. Nhân viên marketing chưa thực sự am hiểu thị trường, công tác tư vấn, giới thiệu chưa có tính thuyết phục do thiếu thông tin và kinh nghiệm thực tiễn. Chiến lược chiếm lĩnh thị phần khách của các công ty còn yếu. Mặt khác, tại các điểm di tích và danh thắng, nhiều nơi cơ sở hạ tầng như đường giao thông đi vào các điểm du lịch và hệ thống các công trình nhà hàng, khách sạn, điện, nước, nơi ăn, nghỉ chưa có hoặc chưa đạt tiêu chuẩn... Các doanh nghiệp chưa có sự hợp tác liên kết với nhau theo hướng chuyên nghiệp để hỗ trợ thực hiện tốt các dịch vụ du lịch theo yêu cầu.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, tạo điều kiện để ngành du lịch nói chung và du lịch lữ hành nói riêng phát triển nhanh, tăng nguồn thu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư du lịch, Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo các tour du lịch với các dịch vụ khép kín thuận lợi và bảo đảm chất lượng. Các ban, ngành chức năng của tỉnh cần có sự phối kết hợp và thống nhất trong công tác quản lý điều hành. Đặc biệt, các công ty lữ hành cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, mở rộng thị trường và quy mô hoạt động; xây dựng thương hiệu, củng cố lòng tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo và tuyển dụng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, năng động và nhiệt tình. Xây dựng chiến lược makerting hiệu quả thiết thực, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch trọn gói. Thiết lập mạng lưới các công ty lữ hành trong tỉnh trong việc ghép tua, hỗ trợ và bổ sung các dịch vụ cho nhau nhằm đem lại một dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng.
Với vị trí địa lý khá thuận lợi và giàu tiềm năng tài nguyên du lịch, cùng với những chính sách phù hợp với cơ chế mở cửa, hội nhập, hy vọng rằng du lịch lữ hành Thanh Hóa trong những năm tới sẽ có bước phát triển mạnh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và sự phát triển du lịch của cả nước.