Hoạt động của ngành

Tăng cường đầu tư phát triển du lịch Sơn La

Cập nhật: 20/02/2014 15:24:54
Số lần đọc: 1607
(TITC) - Ngày 18/2/2014, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cùng Dự án EU đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La để đánh giá tình hình phát triển du lịch của tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa đến với vùng đất này. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng”.

Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Ngọc Toa; Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La Hoàng Trí Thức; đại diện Dự án EU; đại diện Sở VHTTDL tỉnh Sơn La và một số sở, ban, ngành địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên các báo đài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Ngọc Toa nhấn mạnh, Sơn La là tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Du lịch Sơn La những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng cơ chế chính sách, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Với mong muốn từng bước phát huy thế mạnh của tỉnh về du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử, tỉnh Sơn La đã tăng cường đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đồng thời tổ chức nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách.

              Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch

                                Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch

 

Mặc dù có tiềm năng và thế mạnh lớn về du lịch, song khó khăn mà du lịch Sơn La đang phải đối mặt là nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; ngân sách nhà nước dành cho đầu tư du lịch còn hạn chế; cơ sở vật chất và phương thức hoạt động chưa được đầu tư bài bản, chưa có chiều sâu; công tác quảng bá du lịch chưa tốt; vấn đề quy hoạch, định hướng trong chiến lược phát triển du lịch còn nhiều bất cập... Ông Nguyễn Ngọc Toa bày tỏ mong muốn thông qua buổi làm việc này nhận được sự chia sẻ cũng như kinh nghiệm của các doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng, mang tính chuyên nghiệp cao.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa của Sơn La, đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh như: chính sách khuyến khích phát triển du lịch tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tại cửa khẩu đến Sơn La... Ông khẳng định, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Sơn La để đẩy mạnh phát triển du lịch.

              

               Nhiều giải pháp phát triển du lịch Sơn La được các doanh nghiệp lữ

               hành đề xuất tại buổi làm việc

  

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp du lịch trong nước đã đóng góp nhiều ý kiến phát triển du lịch Sơn La, đáng chú ý như: giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương; đảm bảo vấn đề môi trường tại các điểm du lịch; quy hoạch các điểm du lịch và dịch vụ du lịch tại Mộc Châu; xây dựng trạm dừng chân tại các điểm du lịch; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch…

Với sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ban, ngành, Sơn La, đặc biệt là Mộc Châu sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

 

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300km về phía tây bắc, Sơn La có địa hình núi cao, bị chia cắt bởi lưu vực sông Ðà và sông Mã, hình thành nên hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản. Trong đó, cao nguyên Mộc Châu từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất có khí hậu mát mẻ, thuận lợi phát triển chăn nuôi bò sữa, trồng chè và cây ăn quả vùng ôn đới.

Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La có 68 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 35 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nổi bật, phải kể đến Di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả, Di tích lịch sử văn bia Vua Lê Thái Tông ở hang Thẳm Ké, văn bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông, hang Thẩm Tét Toòng (TP. Sơn La); hang Bản Ôn, hang Dơi, thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng (Mộc Châu); hang Chi Ðảy, hồ Chiềng Khoi (Yên Châu); động Chín Rồng (Phù Yên); Kỳ đài Thuận Châu, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc (Thuận Châu); tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi, hồ Tiền Phong (Mai Sơn); tháp Mường Và (Sốp Cộp)...

Sơn La còn là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo với nhiều lễ hội đặc sắc như: lễ hội hoa Ban của dân tộc Thái; lễ hội cầu mưa (lễ hội Lồng Tồng) tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu; lễ hội đua thuyền dân tộc Thái ở huyện Quỳnh Nhai; lễ hội Mùa Xuân (lễ hội Nào Sồng) và ngày hội người Mông ở Mộc Châu; lễ hội Xen Pang Ả của người Kháng hay hội ném còn, săn bắn, đánh cá, cầu mùa, xíp xí...

Toàn tỉnh hiện có 105 cơ sở lưu trú với 1.500 phòng nghỉ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách.

Năm 2013, du lịch Sơn La đã thu hút được hơn 1,2 triệu lượt khách, trong đó có 43 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt 601,7 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

                                                                              
 
                                                                                      Thực hiện: Phạm Phương - Anh Dũng
Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục