Đồng Tháp: Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Những năm qua, ngành du lịch Đồng Tháp đã có những bước phát triển, đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Hạ tầng du lịch của tỉnh được đầu tư có trọng điểm, các khu du lịch được hình thành và phát triển. Đồng Tháp có nhiều địa điểm du lịch tiềm năng, bước đầu được quan tâm đầu tư như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích khảo cổ Gò Tháp, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa Sa Đéc... Lượng khách du lịch đến Đồng Tháp và doanh thu dịch vụ du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, du lịch của tỉnh vẫn phát triển chậm chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch thấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; khách lưu trú, đặc biệt là khách quốc tế chưa nhiều so với một số tỉnh trong khu vực; quản lý nhà nước về du lịch thiếu tập trung, chưa khai thác các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển du lịch; tiện nghi phục vụ khách du lịch ở các khu, điểm du lịch chưa được chú trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động đầu tư cho du lịch chậm đổi mới, thiếu tập trung, chưa có bước đột phá trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 là “Quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh sau năm 2015”, những năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương, nhằm giới thiệu tiềm năng và thế mạnh, thu hút đầu tư, phát triển du lịch Đồng Tháp. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, du lịch Đồng Tháp có bước thay đổi nhanh và đồng bộ, tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc thù, có bản sắc, có sức cạnh tranh; nâng cao năng lực và hiệu quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, đón và phục vụ 2.100.000 khách, trong đó có 47.000 khách quốc tế, 533.000 khách du lịch nội địa, 1.500.000 khách tham quan hành hương, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,45%; doanh thu du lịch phấn đấu đạt 360 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch từ các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%. Cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, chất lượng các sản phẩm du lịch, ngoài Khu di tích Xẻo Quýt, có 6 dự án được đưa vào khai thác, tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch Đồng Tháp.
Trong các giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng yếu như Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Công viên bảo tồn sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc. Tiếp tục đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng để đưa vào các tuyến điểm gắn với tổ chức các dịch vụ để thu hút khách du lịch, phát huy các lễ hội truyền thống hàng năm nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao để quảng bá thu hút khách du lịch./.