Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội Lồng tồng ở Bắc Kạn

Cập nhật: 11/03/2014 14:57:21
Số lần đọc: 1729
Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có lễ hội Lồng tồng - lễ hội xuống đồng vui hội truyền thống dân gian tại các thôn bản vào mùa xuân. Không khí ngày hội mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn kính với bậc hiền nhân, người có công với dân làng. Hơn hết, đó cũng là dịp để mọi người được gặp gỡ, vui chơi trong ngày đầu xuân. Nhưng để lễ hội Lồng tồng diễn ra theo đúng nghĩa, đúng phong tục xưa kia thì đó lại là điều khiến cho những người có tâm huyết ngày đêm trăn trở.

Đến bản Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn gặp ông Ma Văn Vịnh - một người cao tuổi am hiểu về phong tục, nghi lễ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Tày, chúng tôi được nghe ông kể chuyện và bày tỏ sự tiếc nuối khi lễ hội Lồng tồng mỗi năm lại ít đi và mai một dần, nghi lễ diễn ra chỉ mang tính hình thức.

 

Ông Vịnh bồi hồi nhớ lại ngày còn bé, mỗi dịp Tết đến lại được tham gia lễ hội Lồng tồng đậm đà bản sắc. Những ngày đầu xuân, già trẻ trong bản ai nấy đều háo hức chuẩn bị cho nghi lễ đặc biệt quan trọng này. Cơ sở vật chất tổ chức lễ hội Lồng tồng đều do dân trong thôn đóng góp tạo dựng: Một cái Lườn nghè (miếu thờ Thành Hoàng) có họ tên cụ thể, khoảng 24m2 trên núi đồi. Dân cử ông Từ để trực tiếp mo cúng, coi giữ bảo quản Lườn nghè, trống chiêng, cờ lọng, điều khiển các ngày hội. Nếu ông Từ xin thôi, thôn sẽ cử người khác. Trang phục ông Từ là áo, khăn màu đen dài, rộng... Âm nhạc ngày hội có 2 chiêng, 2 trống to, 3 đến 5 cờ, 2 lọng. Vị trí lễ hội khoảng 3000m2 ruộng, thời gian lồng tồng chỉ diễn ra trọn một ngày từ sáng tới tối. Các trò trong ngày hội được diễn ra theo chương trình truyền thống. Người dân trong thôn cắt cử nhau luyện tập chuẩn bị thể hiện 7 cách đánh trống lễ, hát lượn, trò chơi sao cho thật đẹp.

Ngày hội đến, ngay từ sáng sớm, lễ rước Thành Hoàng từ Lườn nghè đến điểm hội, nghe trống hiệu, già trẻ kéo nhau, gồng gánh mâm cỗ đi hội. Ngai thờ được kê cao một mét cho ông Từ bày cỗ thờ. Khu vực trước ngai thờ trải 4 tấm chiếu. Đây là vị trí ông Từ mo, lạy, điều khiển lễ hội. Hai bên cánh gà, mâm cỗ của các gia đình con họ trong thôn được bày thành hàng ngang trên tấm chiếu mang theo gọi là phe Đông, phe Tây, thờ “Pá Tạo nà a tạo rẩy” (người làm nên ruộng nương), tổ tiên con họ đã xây đắp nên thôn bản, sau khi ông Từ mo, lạy, mọi nam nữ trong thôn thực hiện văn hóa lạy Thành Hoàng từng tốp, theo nhịp trống, rất nghiêm trang, cung kính thiêng liêng lên thần linh. Tiếp theo nam thanh nữ tú hát bài lượn cầu mùa, cầu an, chúc tụng, múa diễn ra suốt ngày.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Văn Vịnh chia sẻ: Ngôi Lườn nghè phải dựng trước Tết Nguyên đán ít nhất hai tháng, rồi mời một pháp sư thầy hay then, pụt, tào đến làm lễ an mời thần Thành Hoàng xưa trở lại để con họ thờ thực hiện văn hóa tâm linh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời gọi mời hồn các liệt sĩ là người trong thôn bản đã hy sinh trong kháng chiến cứu nước của dân tộc lên thờ. Thông qua lễ hội để giáo dục, xây dựng con người mới có đạo đức cao thượng, gìn giữ bản sắc văn hóa tới mai sau.

 

Cách ngai thờ về phía trước 25-30m là sân diễn các trò chơi truyền thống, quay đu, tung còn, kéo co, bắn nỏ, đánh quay, đánh yến, đi cà kheo, cầu noi, đu rút... diễn ra nhộn nhịp. Các trò diễn trong lễ hội mỗi năm chỉ một lần, lại luôn có thế hệ người mới lớn tham gia nên không hề nhàm chán.

 

Mọi người đi dự hội mặc trang phục dân tộc sao cho mình đẹp hơn mọi ngày. Mọi hoạt động văn hóa, trò chơi, trang phục, mâm cỗ được thi đua tự nhiên, tự giác, trong phạm vi thôn bản vì thế không ai muốn gia đình bị kém hơn người. “Xiên lý” (người ngoài thôn) đến dự chủ yếu chỉ thưởng thức, học tập để xây dựng lễ hội ở thôn mình đẹp hơn. Nhờ thế chơi vui hội Lồng tồng luôn gắn kết cộng đồng, chủ khách không hề lâm vào tình thế thụ động. Hết ngày hội, theo quan niệm của dân bản, mâm cỗ của gia đình nào được mọi người ăn hết thì coi như cả năm gia đình đó được sung túc, ấm no. Ông Từ làm lễ cầu mùa bông vải, tung “khẩu phéc” (thóc nổ bỏng) mọi người reo hò hứng lấy may rồi ra về. Kết thúc ngày hội, mọi người ra về với niềm kiêu hãnh, để năm sau lễ hội Lồng tồng còn vui hơn thế. Đêm đến, “xiên lý” - nam nữ người ngoài xã đến chơi hội được mời nghỉ lại để hát lượn giao duyên với chúa bản - tìm bạn tình trong thôn bản, để rồi ngày hôm sau cùng đi chơi hội Lồng tồng ở thôn bản khác./.

 

Nguồn: qdnd.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT