Bắc Giang: Bảo tồn và khai thác cá giá trị di sản văn hóa của khởi nghĩa Yên Thế
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: khởi nghĩa Yên Thế là một trong những cuộc khởi nghĩa có tầm vóc lớn trong lịch sử dân tộc, do đó việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cuộc khởi nghĩa không chỉ tôn vinh tinh thần thượng võ của người Việt Nam mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc.
Với việc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 12 năm 2012, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, người dân huyện Yên Thế nói riêng và người dân Bắc Giang nói chung càng ý thức hơn được việc phải gìn giữ, tôn vinh truyền thống yêu nước và ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa năm xưa, đồng thời khắc ghi, tỏ lòng tri ân đối với người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân Yên Thế đã kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Hướng tới Lễ kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2014), huyện Yên Thế đã đầu tư gần 14 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa) cho việc trùng tu, nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng. Trong đó có hạ tầng khuôn viên trung tâm khu di tích Hoàng Hoa Thám tại thị trấn Cầu Gồ; thay thế tượng đài Hoàng Hoa Thám; mở rộng khuôn viên Đình Dĩnh Thép xã Tân Hiệp; tu sửa động Thiên Thai xã Hồng Kỳ; gia cố lại tường thành đồn Phồn Xương bị hư hỏng; đầu tư nâng cấp Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế…
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác và phát triển tại địa phương vẫn còn gặp phải không ít vướng mắc. Theo đó tại hội thảo, nhiều bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trung ương và các địa phương đã kiến nghị những giải pháp tiếp theo để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị của phong trào khởi nghĩa Yên Thế, gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử bền vững. Trong đó, đáng chú ý: tham luận “Mấy phát lộ mới về Đề Thám, khởi nghĩa Yên Thế và một vài kiến nghị” của Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm; tham luận “Một số ý kiến đề xuất nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa về cuộc khởi nghĩa Yên Thế trong hoạt động du lịch” của Tiến sĩ Trần Đình Luyện – Phó chủ tịch thường trực Hội khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh; tham luận “Đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế - việc làm cần thiết để phát huy giá trị phong trào khởi nghĩa Yên Thế” của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Toản – Trưởng khoa Di sản văn hóa Đại học Văn hóa Hà Nội…
Bên cạnh đó, nhiều phát hiện mới về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, đánh giá những vấn đề đã làm, đang làm và đề xuất nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới cũng đã được Hội thảo đưa ra. Qua đó, giúp cho các cơ quan chuyên môn có cái nhìn tổng thể, vận dụng linh hoạt, khách quan, phù hợp với tình hình thực tế trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia một cách hợp lý nhất./.