Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Cơ Tu

Cập nhật: 17/03/2014 11:05:13
Số lần đọc: 1519
Để làm một ngôi nhà Gươl mới hiện nay phải mất tới 200 - 500 triệu đồng, trong khi việc huy động sức đóng góp của người dân vùng cao rất hạn chế.

Ngày 13/3, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế phối hợp với Thư viện tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Cơ Tu”, với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

 

Người Cơ Tu là dân tộc thiểu số có số dân lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với hơn 41.000 người sống tập trung ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Làng truyền thống của người Cơ Tu là một đơn vị tổ chức xã hội cao nhất, có cấu trúc quần cư dạng hình tròn hoặc vành khuyên.

 

Đặc điểm làng của người Cơ Tu là được xây dựng trên một quả đồi có độ cao tương đối và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Vị trí trung tâm của làng dành xây dựng nhà Gươl và trụ lễ, máng nước, cổng làng, nhà kho, nhà rẫy và xung quanh là những ngôi nhà ở khép kín. Mặt trước của nhà Gươl được xây dựng hướng về phía mặt trời mọc, hạ lưu sông suối. Làng có chức năng phòng thủ trước kẻ địch, thú dữ và là nơi tập hợp sức mạnh văn hóa tinh thần của cả cộng đồng.

 

Hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam có 167 ngôi nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu, tuy nhiên gần 40% trong số này đang trong tình trạng hư hỏng, việc xây dựng mới và sửa chữa còn gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này, tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ các thôn bản xây dựng mới nhà cộng đồng truyền thống là 100 triệu đồng/ nhà và sửa chữa là 50 triệu đồng/ nhà.

 

Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay cấu trúc và dáng vóc xây dựng làng truyền thống của người Cơ Tu đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ cần có các biện pháp bảo tồn khẩn cấp. Nhiều nơi đang xuất hiện tình trạng bà con làm theo dưới xuôi xây dựng nhà Gươl, nhà mồ và nhà ở truyền thống bằng bê tông cốt thép, lợp mái tôn.

 

Để bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của người Cơ Tu, các chuyên gia cho rằng cần đưa nhiệm vụ xây dựng các ngôi nhà Gươl truyền thống vào nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị kiến trúc truyền thống cho cộng đồng dân cư, nhất là thế hệ trẻ; việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư phải có sự tham gia của người dân trong việc chọn đất, dựng làng, xây nhà; đồng thời xây dựng các bản làng truyền thống thành các điểm thăm quan du lịch…/.

Nguồn: Báo Làng Việt

Cùng chuyên mục