Đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Năm 2013, khu vực ĐBSCL đón hơn 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 19,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt gần 5,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 2,7% doanh thu cả nước. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng. Lượng khách quốc tế đến khu vực này chưa nhiều, thời gian lưu trú ngắn do các sản phẩm trùng lắp, chưa tạo được sức cạnh tranh; hoạt động xúc tiến quảng bá còn chưa được đẩy mạnh, đặc biệt là chưa tìm được sản phẩm du lịch đặc thù. Bởi vậy, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nghiên cứu, đề xuất chủ trương, định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các cơ chế hợp tác, liên kết, điều phối thực chất phát huy lợi thế vùng, sản phẩm đặc trưng. Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu về vấn đề xây dựng, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL. Trong đó, các đại biểu cho rằng các địa phương trong vùng cần tiến tới việc xây dựng các sản phẩm theo thế mạnh của từng địa phương sau đó liên kết tạo thành sản phẩm chung của toàn vùng. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là yêu cầu cấp thiết cần phải có “nhạc trưởng” đứng ra điều phối hoạt động du lịch chung của toàn vùng. Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL được coi là “nhạc trưởng” của vùng nhưng chưa có đủ điều kiện nên kết quả đạt được không như mong muốn. Các địa phương đề xuất kiến nghị với Bộ VHTTDL, TCDL hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương ĐBSCL khắc phục tình trạng trên. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã giao TCDL gấp rút xây dựng đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” hoàn thành trong 3 tháng để triển khai thực hiện vào tháng 7/2014 và xây dựng phương án thành lập Ban điều phối các hoạt động du lịch khu vực ĐBSCL thể hiện rõ mô hình, cơ chế, biện pháp triển khai..., góp phần để ngành du lịch khu vực ĐBSCL phát triển bền vững, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế./. Thu Thủy