Hoạt động của ngành

Lễ hội Bình Đà ở Hà Nội thành di sản văn hóa quốc gia

Cập nhật: 07/04/2014 09:15:41
Số lần đọc: 1469
“Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.”

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trong buổi lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội Bình Đà diễn ra sáng nay (5/4) tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).


Hàng năm, lễ hội Bình Đà được tổ chức ở khu vực đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân và đình thờ Linh Lang Đại vương (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội); nhằm tưởng nhớ công lao của tiền nhân và giáo dục truyền thống lịch sử, “uống nước nhớ nguồn” cho cộng đồng. 


Theo ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Bình Đà là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn của cư dân Việt cổ. Lễ hội Bình Đà là một lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử sâu sắc với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, khác lạ như lệ cúng bò, lễ rước và thả bánh thánh…


Ngày 1/4 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 959/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Bình Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Trước đây, lễ hội Bình Đà diễn ra từ ngày 26/2-6/3 Âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức tập trung trong ba ngày từ 4-6/3 Âm lịch.


Năm nay, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai đề án nâng cấp lễ hội Bình Đà.

 

Theo đó, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn và có nhiều điểm mới so với những năm trước. Bên cạnh việc phục dựng một số nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, ban tổ chức đưa vào không gian lễ hội những yếu tố văn hóa đương đại: Trình diễn ánh sáng bằng công nghệ hiện đại vào các buổi tối trong thời gian diễn ra lễ hội diễn ra lễ hội (từ ngày 3/4-6/4, tức từ mồng 3-6 tháng Ba năm Giáp Ngọ)./.
Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục