Non nước Việt Nam

“Âm sắc Hương Bình”: Tôn vinh giá trị của nghệ thuật ca Huế

Cập nhật: 17/04/2014 09:46:50
Số lần đọc: 2501
Ngày 16/4/2014, tại không gian lắng đọng của Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương thơ mộng, sân khấu “Âm sắc Hương Bình” với những bài, bản ca Huế lay động đã thỏa lòng khách mộ điệu.

Không có cái rộn rã thường thấy của lễ hội, không gian Nghinh Lương Đình thật yên ắng, nhường chỗ cho giai điệu xao xuyến. Tất cả lặng im trong cái ngọt ngào ca Huế, quyện theo thanh âm réo rắt, ngân nga của đàn tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt. Khi gửi lời tri âm qua giai điệu thính phòng trang trọng, uy nghiêm của Long Ngâm. Khi mang đến những tiết tấu vui tươi, rộn ràng của những nhạc khúc Ngựa Ô, Kim Tiền...

 

 

Trong ánh trăng đẫm sương đêm, người nghe lắng lại với âm hưởng da diết, trữ tình của điệu hò mái nhì, đắm mình trong khúc Nam Ai thấm đẫm nỗi buồn qua giọng ca của nghệ nhân Thanh Tâm. Từng chữ, từng âm như con tằm nhả tơ rút ruột sao man mác, vang vọng giữa dòng Hương mênh mông, như thể một đời ca hát của bà đã cháy hết một đêm này.

 

Xen vào chương trình là những giai điệu khoan nhặt, dặt dìu, rộn ràng đậm chất dân ca của Giã gạo đêm trăng, của làn điệu Hầu văn và cả trích đoạn ca kịch Huế “Ngọn lửa tình yêu”, mang đến cho khán giả một chương trình ca Huế đa sắc. Ðêm càng khuya, ánh trăng càng sáng tỏ, sông Hương càng lung linh với những chiếc thuyền rồng kết đèn hoa rực rỡ. Giữa một bầu trời, mây và sông nước bồng bềnh, lời hát ngân xa, bay bổng như kết nối những tâm hồn đồng điệu, tạo nên sự hòa nhịp giữa âm nhạc, con người và thiên nhiên, càng khiến cõi lòng khách mộ điệu trở nên lưu luyến.

 

Là tinh hoa âm nhạc cổ truyền dân tộc, ca Huế đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất, con người xứ Huế. Hình thức diễn xướng của ca Huế mang tính bác học được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng tri âm, tri kỷ.

 

Theo thời gian, sự giao thoa giữa tầng lớp quý tộc và người dân đã tạo môi trường cho ca Huế có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng. Kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông, ngày nay, nghệ thuật ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, lan tỏa khắp nơi và trở thành đặc sản như NSND Ngọc Bình khẳng định: “Có thể nói, nghệ thuật ca Huế đã thực sự là một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến vùng đất Cố đô”.

 

Hơn 500 năm phát triển, ca Huế đã trải qua biết bao thăng trầm mà nếu không có những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ say mê và sống hết mình với nghề, giá trị văn hóa ấy khó gìn giữ. Bằng niềm đam mê, tâm huyết và tình yêu, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công… đã âm thầm gìn giữ và lưu truyền cái hồn cốt của ca Huế, làm đẹp thêm cho ca Huế. Họ và ca Huế xứng đáng được tôn vinh. Lần đầu tiên, những giá trị của ca Huế được tôn vinh trang trọng trong một lễ hội lớn như Festival.

 

Từ sân khấu tôn vinh bên bờ sông Hương, ca Huế đang hướng đến một khát vọng lớn khi tỉnh và những người đắm lòng cùng ca Huế đang từng bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó cũng chính là cơ hội để bảo tồn và phát huy hơn nữa vốn di sản âm nhạc truyền thống quý báu này./.

Nguồn: baothuathienhue.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT