Trưng bày tài liệu, hiện vật về “Tiếng sấm đường 5 với chiến dịch Điện Biên Phủ”
Cuộc trưng bày có 3 chủ đề: Âm mưu và tội ác của thực dân Pháp; quân và dân Hải Dương với chiến dịch Điện Biên Phủ; phần thưởng của Đảng và Nhà nước dành tặng cho nhân dân Hải Dương.
Tiếng sấm đường 5 là phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trên đường 5 và đường sắt Hải Phòng- Hà Nội của quân và dân 3 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần 2. Chúng nhận thấy đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ nên đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh, mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét dọc đường 5 và các vùng phụ cận gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Nhận thức được tuyến đường 5 và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội có vị trí chiến lược, trọng yếu, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Hải Dương cùng với Hải Phòng, Hưng Yên đã kiên cường chiến đấu, bám đất, bám làng, tiêu diệt từng tên địch.
Với khẩu hiệu “Không ngừng tiếng súng, không ngừng tiếng mìn trên đường 5 để phối hợp với Điện Biên Phủ”, quân và dân Hải Dương đã tổ chức nhiều trận đánh mìn, góp phần tiêu hao lực lượng, vũ khí và phương tiện của địch trên tuyến đường 5, ngăn cản sự chi viện của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ. Những hình thức đánh giặc tuy đơn giản nhưng đã góp phần không nhỏ vào phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước. Tiêu biểu nhất trong phong trào tiếng sấm đường 5 là trận dùng địa lôi diệt quân tiếp viện trên đường số 5 tại ga Phạm Xá (Kim Thành) vào đêm ngày 31/1/1954 đã tiêu diệt và làm bị thương trên 1.000 kẻ địch cùng hàng tấn vũ khí, quân trang, quân dụng và phương tiện chiến tranh của giặc Pháp.
Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, bao người con quê hương Hải Dương đã không tiếc thân mình, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong chiến dịch, Hải Dương có 455 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và có hàng nghìn người đã trở về với thương tích đầy mình. Tên tuổi nhiều anh hùng của mảnh đất Hải Dương mãi được khắc ghi vào lịch sử như: “Vua mìn đường 5” anh hùng Nguyễn Văn Thòa, anh hùng Lê Văn Nổ, nữ du kích Đinh Thị Nhìn, anh hùng Đặng Đức Song, anh hùng Hà Văn Nọa…
Thông qua sự góp mặt của hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh lịch sử lần đầu tiên giới thiệu tại Hải Dương, cuộc trưng bày đã giúp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về những đóng góp, hy sinh của quân và dân Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ./.