Thác lác cườm - đặc sản Hậu Giang
Món đơn giản từ cá thác lác, dễ làm và hợp với sở thích của nhiều thực khách là món cá thác lác muối sả ớt chiên giòn. Sau khi làm sạch cá, người ta dùng sống dao hoặc vật cứng dần dọc theo chiều dài cá rồi dùng dao cứa ngang theo thân, cách nhau độ 5 cm để gia vị mau thấm, ướp nước sả, phơi nắng độ nửa giờ mới đem chiên. Khi cá gần chín mới rắc sả bằm nhuyễn vào để sả không bị khét. Tuy đơn giản nhưng món này được nhiều thực khách cho rằng ngon nhất chỉ ở Cửa hàng số 5 đường Nguyễn Công Trứ - thị xã Vị Thanh.
Cá thác lác cườm ở Hậu Giang còn rất được các bà nội trợ “tín nhiệm” khi được chế biến thành chả. Thường chả cá có bán sẵn ngoài chợ, mua về, thêm thịt heo nạc bằm nhỏ theo tỷ lệ 3 cá/1 thịt, đều tay quết với chút bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn, bắc chảo chiên vàng là các ông đã có món nhậu ngon còn trẻ con thì có món mặn “không chê vào đâu được” để ăn cơm. Chả cá thác lác nấu canh rau tần ô là một món ăn quen thuộc rất “bắt” trong bữa cơm. Còn trên các bữa tiệc sang trọng, chả cá đàng hoàng “sánh vai” cùng nhiều hải sản cao cấp khác trong các món lẩu. Tuy nhiên, chỉ ở món lẩu cá thác lác thì “vai trò” của nguyên liệu này mới được thể hiện đúng mực. Chả cá mua về, dùng muỗng quết đều tay cùng các loại gia vị kể trên nhưng không thêm thịt heo. Nồi nước dùng được nấu bằng xương heo hầm lấy nước ngọt, nêm nếm vừa ăn. Loại rau thích hợp nhất với lẩu này là khổ qua bào mỏng. Bắc nồi lẩu giữa bàn, múc từng muỗng chả cá thả, từng đũa khổ qua nhúng vào nồi rồi chậm rãi thưởng thức. Vị ngọt của cá, vị đắng, giòn của khổ qua vừa tái thấm vào đầu lưỡi hòa trong vị cay của ớt khiến ai ăn cũng phát “ghiền”.
Cá thác lác cườm, khóm Cầu Đúc và bưởi Phú Hữu đã làm nên “cái riêng” của Hậu Giang trong muôn vàn cái chung của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.