Người Khơme tưng bừng đón tết Chôl Chnam Thmây
Tại Sóc Trăng, nơi có gần 400.000 người Khơme sinh sống, không khí Tết rộn ràng khắp các phum, sóc của người Khơme trong tiếng trống nhạc của giàn ngũ âm. Các cô gái Khơme xinh đẹp, trong bộ trang phục truyền thống dân tộc sặc sỡ sắc màu, nhịp nhàng quyến rũ với điệu múa Lâm thol.
Từ cả tuần trước tết, không khí tết Chôl Chnam Thmây ở những vùng có đông đồng bào Khmer đã rất sôi nổi. Cũng giống như người Việt gói bánh chưng, bánh tét là một nét văn hoá của người Khơme. Cận tết Chôl Chnăm Thmây, nhà nào cũng đỏ lửa nồi bánh tét vừa để dành vui những ngày tết vừa để tiếp đãi bạn bè, khách đến thăm trong những ngày tết.
Trong tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khơ me là đắp núi cát tại các điểm chùa Khơme. Người Khơme quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn ở dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.
Chiều 15/4 là ngày cuối của tết Chôl Chnam Thây, các chùa đều tổ chức nghi lễ tắm Phật với ước nguyện trong năm mới người Khơme có cuộc sống an vui, làm ăn thuận lợi. Tại chùa Dơi, không chỉ đồng bào Khơme đi lễ chùa đông mà khách hành hương bốn phương cũng về rất đông vui. Một nhà hảo tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh chở một xe quà, gạo được phân thành từng túi nhỏ để tặng cho các hộ Khơme nghèo đến chùa.
Còn tại tỉnh An Giang, gần 90.000 người Khơ me tại thị xã Châu Đốc và 4 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn cũng đã đón Tết Chôl Chnam Thmây trong niềm vui được mùa, sung túc và phấn khởi.
Hoà trong không khí đón Tết, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao do các địa phương tổ chức cũng được thực hiện sôi nổi. Các đoàn nghệ thuật Khơme được huy động đi lưu diễn phục vụ đồng bào trong những ngày tết. Các môn thể thao như bóng đá, kéo co có rất đông vận động viên tham gia, cổ vũ.