Ẩm thực Nam Bộ: Tìm hương xưa
Khuôn viên khu Du lịch Cái Khế, nơi diễn ra Liên hoan Văn hóa ẩm thực "Món ngon Nam Bộ" từ sáng đã đông nghẹt người. Khói từ các gian hàng mang dáng dấp kiến trúc truyền thống lan tỏa qua các tán cây, hương thơm ngào ngạt.
Cô Tô Thị Hồng Thắm, chủ của Du thuyền Cần Thơ, một địa chỉ rất quen thuộc đối với bất kỳ du khách nào đặt chân tới bến Ninh Kiều cho biết, đã đưa tới Liên hoan ẩm thực tám món "rặt Nam Bộ" đang được thực khách ưa thích (tôm sú, cá kèo nướng muối ớt, cơm nếp nướng, chạo tôm nướng mía...), giá chỉ 5.000 đến 20.000đ/đĩa.
Trong đêm khai mạc, theo yêu cầu của hơn 400 khách đặt chỗ trước, Du thuyền Cần Thơ đã chở họ dọc sông Hậu, về hướng sân khấu chính chứng kiến những phút giây tưng bừng nhất của lễ hội. "Mới chín giờ hơn 200 khách đã đặt chỗ cho chuyến du ngoạn sông Hậu tối nay. Thật vui khi nhiều du khách muốn tìm hiểu vẻ đẹp quê mình".
Giám đốc khách sạn Thiên Hương - Bát Ðạt Lê Ðức Liêm thuộc hệ thống Saigontourist tâm sự các món ăn đồng bằng có phong cách riêng, rất ấn tượng. Lần này nhà hàng của cô không chỉ đưa món heo quay Bát Ðạt danh tiếng đất Sài Gòn xuống tham dự mà còn chở cả mía xuống cho khách đồng bằng thưởng thức hương vị miền Ðông ngọt ngào...
Hơn 30 gian hàng của 23 đơn vị được lựa chọn từ 26 công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, Ðác Lắc... đã mang đến cho du khách đủ hương vị, sắc mầu của văn hóa ẩm thực phương Nam: ốc nhồi Hoa Sứ, cháo cua đồng, cá lóc nướng mắm bần, tôm chiên hoa cúc, nghêu xào kiểu Thái, cá khoai chiên giòn, lẩu tự chọn Sông Hậu, lẩu nấm tôm gà... Hương vị núi rừng Tây Nguyên có cơm lam, súp cà đắng nấu cá rô với đọt mây rừng, heo đồng bào nướng muối ớt... thưởng thức với rượu cần trong tiếng trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng Po, chiêng Arap Lồô (chiêng tre kết hợp đàn đá)...
Món ăn Nam Bộ đặc sắc ở chỗ nó được tạo ra, mang sắc thái riêng, hương vị ngọt ngào riêng bởi hơi đất miệt vườn mênh mông, vị ngọt sông rạch ào ạt dâng tràn mùa lũ, khí trời lồng lộng gió biển Tây Nam, cái uy nghi thâm u của lớp lớp rừng già đồi núi nơi đây. Ðó chính là"nguyên liệu" đầu tiên, chỉ có cho ẩm thực vùng châu thổ này, nơi đã trở thành "đất lành chim đậu", mưa thuận gió hòa, ngày càng trù phú, phồn thịnh: "Ruộng đồng mặc sức chim bay/Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua". Và vì vậy không thể có "gạo Chợ Ðào" thứ hai, món lẩu mắm giữa "Hà Thành hoa lệ" do chính tay người An Giang nấu cũng không dễ qua được "hàng chính gốc"...
Ẩm thực Nam Bộ như một cô gái thôn quê, không cần trang điểm vẫn đẹp. Nhà văn hóa Sơn Nam đã nói về món cá rô kho tiêu, "món ruột" của đồng bằng Nam Bộ như thế này: cá rô là chúa của cá đồng, nước mắm là tinh túy của đại dương, rắc chút tiêu là lấy hương của đồi núi...
Chỉ một món ăn dân dã mà gom cả hương hoa đất trời, thể hiện văn hóa của một xứ sở. Trên mảnh đất tận cùng phương Nam này, con người đã tận dụng tự nhiên, thỏa chí sáng tạo ra những món ăn độc đáo thể hiện cái cốt cách, dấu ấn của những người một thời đi mở cõi - đó là bản sắc của khẩn hoang, phóng khoáng, không cầu kỳ câu nệ.
Trong khuôn khổ chương trình "Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa" tổ chức tại Wasington vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm, 67 tuổi (Trà Nóc-Bình Thủy) đã biểu diễn đổ bánh xèo, gói bánh tét, bánh ít trần... được công chúng, nhất là Việt kiều xuýt xoa tán thưởng. Nhiều người mời bà về nhà riêng, tặng quà...
Cái ngon chưa nói nhưng việc bà tự tay chọn gạo xay bột, kiếm dây cột bánh đã đánh thức cả miền ký ức xa xăm của người Việt xa xứ, làm sống dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào. "Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho ăn lúc mình nhỏ tuổi ". Thưởng thức miếng bánh mà vụt òa trong tâm thức hình ảnh dòng sông bến nước thủơ ấu thơ, là mẹ già lam lũ cặm cụi bên nồi bánh tét, là khói rơm đốt đồng thơm thơm bay tỏa chiều tà, là hương vị quê hương như cây cầu tre vắt vẻo, như chùm khế ngọt, như cánh cò bay...
Dưới lớp áo sặc sỡ của văn hóa ẩm thực là giá trị nguồn cội, cái cốt lõi đạo lý tình người của dân tộc Việt chúng ta. Nó thấm vào ta lúc nào không hay, khi xa mới khổ mới lan tỏa cồn cào, dằng dặc nỗi nhớ; bàng bạc phiêu diêu trong tâm tưởng, khó mà phân chia, cắt lìa được lắm.
Chương trình "ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ" từng tạo ra cả một trào lưu ẩm thực hướng về cội nguồn chốn quê, thủơ xa xưa khẩn hoang giữa thời hội nhập. Những món ăn mộc mạc, "hương đồng cỏ nội" vẫn lên ngôi, trở thành đặc sản; vẫn khuấy động thực khách ngay chốn phồn hoa đô hội. Vì vậy, "Món ngon Nam Bộ" trong Liên hoan ẩm thực lần này lại đang dệt nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, về cội nguồn cho du khách, bạn bè gần xa.