Non nước Việt Nam

“Gốm cổ Champa Bình Định”

Cập nhật: 22/04/2008 09:04:18
Số lần đọc: 2999
“Gốm cổ Champa Bình Định” của TS. Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) là công trình nhận diện tương đối đầy đủ và có hệ thống về gốm cổ Champa Bình Định (gốm Gò Sành).

Thật ra, tính từ thời điểm năm 1974, khi gốm Gò Sành lần đầu tiên được công bố, đến nay, cũng đã có những dấu mốc nghiên cứu quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là vào năm 1998, dựa trên những hiện vật gốm nằm trong sưu tầm của Hà Thúc Cần, nhà nghiên cứu gốm cổ người Mỹ Roxana Brown đã dành hẳn một chương trong luận văn Tiến sĩ của mình viết về dòng gốm Gò Sành.

 

Tiếp đến, những năm 1990, Viện Khảo cổ học Việt Nam và các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành khai quật Gò Sành (huyện An Nhơn) lần thứ I. Trong 5 năm, các nhà khoa học đã tiến hành 4 đợt khai quật và đã có 5 lò nung cổ độc đáo được khám phá. Đến tháng 6 năm 2002, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Bỉ tiếp tục tiến hành khai quật khảo cổ học khu di chỉ lò gốm cổ Gò Hời (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn).

 

Những cuộc khai quật này đã khẳng định thêm những vấn đề còn tồn nghi về sản phẩm nung, kỹ thuật xây dựng lò cũng như những vấn đề về chủ nhân và niên đại mà trước đó, chưa đủ cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, những phát hiện mới ấy cũng chỉ được đưa ra trong các thông báo khảo cổ học hàng năm của Viện Khảo cổ học Việt Nam và một số bài nghiên cứu lẻ của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

 

Bởi vậy, “Gốm cổ Champa Bình Định” một cuốn sách nhận diện tương đối đầy đủ và có hệ thống về dòng gốm này, là hết sức cần thiết trong nghiên cứu hiện nay.  

 

Cuốn sách đã hệ thống lại những tư liệu và kết quả nghiên cứu từ trước đến nay về các lò gốm Champa Bình Định, chủ yếu dựa trên tư liệu khai quật tại hai trung tâm Gò Sành và Gò Hời. Điều thuận lợi là tác giả cũng chính là một trong những nhà khoa học trực tiếp tham gia khai quật, nên những khảo tả trong cuốn sách là hết sức tỉ mỉ và chi tiết.

Và từ đặc trưng các loại hình lò nung tại hai trung tâm sản xuất này, cùng những loại hình sản phẩm được sản xuất, tác giả đã rút ra đặc trưng chung và riêng của từng khu lò, để nhận diện hai giai đoạn của kỹ thuật xây dựng lò gốm Chăm và nêu lên quan điểm về niên đại và chủ nhân của các khu lò gồm cổ Bình Định. Đồng thời, với việc tìm hiểu về gốm Champa Bình Định trên thị trường trao đổi trong nước và ngoài nước, tác giả cũng bước đầu tìm hiểu lịch sử phát triển nội, ngoại thương của Champa xưa.

 
Có thể xem đây là cuốn sách bước đầu định hướng cho việc nghiên cứu toàn diện về đồ gốm Champa với những thao tác khoa học. Là định hướng, nên những nghiên cứu vẫn mới dừng lại ở những khảo tả, khẳng định ban đầu và hiển nhiên là rất cơ bản và quan trọng, nhất là khẳng định về niên đại và chủ nhân. Vẫn còn cần những nghiên cứu tiếp theo về đề tài này, chẳng hạn như sự tiếp biến văn hóa qua kỹ thuật gốm của người Chăm và người Việt; lý giải ra sao về sự tồn tại ngắn ngủi của gốm men Chăm trong lịch sử; và cả những giá trị nghệ thuật của gốm Champa vẫn còn hiển hiện trên từng dáng gốm trong sự so sánh với các dòng gốm đương thời…
Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT