Non nước Việt Nam

Nghi lễ trong sinh đẻ của người Mông Trắng ở Lai Châu

Cập nhật: 30/05/2014 09:52:37
Số lần đọc: 2503
Người Mông Trắng ở Sìn Hồ cư trú chủ yếu ở các xã Huổi Luông, Pa Tần, Nậm Ban, Phìn Hồ, Sà Dề Phìn, Phăng Xô Lin, Pu Sam Cáp, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Nậm Cha với gần 2.000 hộ, dân số hơn 1 vạn người. Đồng bào hiện còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa cổ truyền đặc sắc, trong đó có các nghi lễ trong sinh đẻ.

Lễ thức khi sinh đẻ

Với người Mông Trắng ở Sìn Hồ, khi người phụ nữ mang thai là lúc mọi người trong gia đình thực sự vui mừng và đều mong cho sản phụ được mẹ tròn con vuông. Vì vậy, gần đến ngày sinh, người Mông Trắng làm lễ Ùa Nênh Khô. Thầy cúng làm các động tác ma thuật để xua đuổi ma nguyệt thực hay ăn trẻ con. Khi trở dạ, sản phụ ngồi dưới đất ở cuối giường, đỡ đẻ là mẹ chồng hoặc một người phụ nữ cùng làng có kinh nghiệm đỡ đẻ.

 

Trường hợp đẻ khó, người Mông Trắng quan niệm đó là do con dâu ăn ở với bà cô, bố mẹ chồng chưa tốt nên phải làm phép tạ lỗi bằng cách vái 3 vái rồi xin một bát nước rửa tay, sau đó bà cô, bố mẹ chồng có một câu đáp lại thì sản phụ mới sinh đẻ dễ dàng.

 

Khi đứa trẻ sinh ra, bố đứa trẻ dùng cật nứa cắt nhau thai rồi bọc nhau thai trong tờ giấy bản. Nếu trẻ là trai thì nhau thai chôn dưới cột nhà vì người Mông quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình. Nếu đứa trẻ là gái thì nhau thai chôn dưới gầm giường bố mẹ vì con gái sẽ là người nuôi dạy con cái, nuôi nấng gia đình.

 

Lễ gọi hồn (Húp plỳ)

Người Mông Trắng quan niệm, 3 ngày đầu mới sinh, trẻ chưa có hồn nên sau ba ngày, gia đình phải làm lễ gọi hồn và đặt tên cho trẻ. Lễ là cặp gà trống - mái, một đôi trứng gà. Khi mặt trời còn chưa mọc, ông bà nội của trẻ nhóm lửa ở cửa chính, thắp ba nén hương khấn gọi hồn trẻ. Bố mẹ trẻ bế trẻ từ trong buồng ra. Các thành viên trong gia đình lần lượt trao cho trẻ vòng bạc trắng, chiếc áo có đính các vật trừ ma… và nói những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Bố mẹ trẻ đặt tên cho con. Tên ấy không được trùng với tên của tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Thường thì tên con trai hay đặt là Páo, Tủa (nếu là con đầu) và theo tên các họ, các loài vật dễ gọi như Thào, Vàng, Sùng, Ly, Dế, Khai, Xúa… Con gái hay có tên là Mỷ, Ía, Sua, Dính, Si, Sai, Pà.v.v.

 

Khi làm lễ xong, tiệc rượu được bày ra, ông nội của đứa trẻ xem chân gà để đoán số mệnh trẻ sau này. Mọi người vừa ăn uống, vừa chúc mừng gia đình. Người Mông Trắng Sìn Hồ quan niệm trẻ chưa qua lễ gọi hồn thì chưa phải là người nên trường hợp đứa trẻ sinh ra, chưa kịp làm lễ gọi hồn mà chết thì khi đem chôn không được đem qua cửa chính mà phải dỡ ván nhà để tạo lối đi.

 

Lễ chọn cha mẹ nuôi (Tủa sò)

Theo phong tục của người Mông Trắng, trẻ mới sinh mà hay ốm đau, quấy khóc, gia đình phải làm lễ nhận cha mẹ nuôi cho trẻ. Chọn ngày lành tháng tốt, cha đẻ của trẻ vào rừng chọn một cây còn nguyên ngọn mang về làm cầu bắc ở ngang đường vào làng. Sau khi cầu khấn xin cho trẻ có cha mẹ nuôi tốt, người cha nấp vào một chỗ kín chờ người đi qua. Người đầu tiên xuất hiện đi qua chiếc cầu đó được nhận là bố hoặc mẹ nuôi của trẻ. Người này được mời về nhà dùng chỉ đỏ buộc vào tay đứa trẻ với ý niệm là buộc chặt bệnh tật, thắt lại những điều quấy nhiễu không may mắn, mong cho đứa trẻ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh. Đứa trẻ lúc này phải lấy họ của bố, mẹ nuôi đặt làm tên đệm thay cho tên đệm cũ.

 

Có trường hợp người ta chọn một cái cây to hoặc một tảng đá lớn ở vị trí linh thiêng để làm bố nuôi phù hộ cho trẻ. Họ đem lễ vật và cõng đứa trẻ đến tận nơi cầu khấn xin gốc cây hoặc tảng đá thuận tình nâng đỡ, che chở cho trẻ. Sau đó, cha hoặc mẹ của trẻ lấy một đoạn dây rừng buộc vào đứa trẻ rồi cuốn dây vào thân cây, tảng đá. Làm lễ xong, họ bện sợi dây lại và đeo vào người đứa trẻ.

 

Lễ mừng trẻ đầy năm và đặt tên đệm cho cha đẻ của trẻ (Tỳ bê lầu)

Khi đứa trẻ tròn một tuổi, gia đình mổ lợn mời ông bà ngoại của trẻ đến ăn mừng và đặt tên đệm cho cha của đứa trẻ. Gia đình pha thịt lợn thành hai nửa theo chiều dọc, một nửa dành để cúng tổ tiên, một nửa dành để biếu ông bà ngoại làm quà. Ông bà ngoại cũng mang theo quà mừng trẻ. Nếu trẻ là con trai thì được tặng một con dao hoặc một cái búa với ý niệm mong cho trẻ sẽ trở thành một chiến binh giỏi và là trụ cột trong gia đình. Nếu trẻ là con gái sẽ được tặng một cuộn chỉ thêu và một cái “lù cở” (cái gùi) nhỏ hoặc một cái áo vải để mong cho cháu lớn lên sẽ giỏi việc nhà, việc nội trợ.

 

Trong bữa tiệc rượu liên hoan, ông ngoại sẽ đặt tên đệm cho cha của đứa trẻ. Người đàn ông khi mới sinh ra thường có tên đệm là “A” như Mùa A Thào, Sùng A Xúa… thì trong dịp này sẽ được đặt tên đệm có nghĩa như Mùa Chìa Thào, Sùng Chá Xúa.

 

Trẻ em người Mông Trắng ở Sìn Hồ sinh ra và lớn lên cùng những nghi lễ đầy tính nhân văn và đậm đà bản sắc văn hóa tộc người. Những nghi lễ ấy thấm vào trí óc trẻ tạo nên một “vết hằn văn hóa” giúp cho trẻ có những dấu ấn đầu tiên về văn hóa dân tộc mình, đồng thời có ý thức tiếp thu và thực hành các nghi lễ tiếp theo trong suốt cuộc đời./

Nguồn: langvietonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT