Non nước Việt Nam

Lễ tạ ơn của dân tộc Chăm (An Giang)

Cập nhật: 04/06/2014 10:53:55
Số lần đọc: 2258
Lễ hội mang ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với các thế hệ sau, hướng về cội nguồn tâm linh, hướng về những giá trị văn hoá của cha ông được thể hiện trong đó. Lễ hội của người Chăm vô cùng phong phú, đa dạng chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau.

Trải qua nhiều biến động, đến nay, đồng bào Chăm vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mình. Sinh sống hòa đồng, giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer nhưng người Chăm luôn ý thức lưu giữ những giá trị riêng, độc đáo.

Điều này thể hiện qua hàng loạt lễ hội diễn ra quanh năm của người Chăm như: Lễ tạ ơn, lễ cầu an, lễ hội đua ghe ngo, lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed, lễ Ramadan, lễ hội Roya...

Lễ tạ ơn (Asura) thường được tổ chức vào mùng 10 tháng giêng Hồi lịch (sau âm lịch 1-2 ngày). Theo truyền thuyết của người Chăm dòng Islam, xưa kia có một trận đại hồng thủy nhấn chìm tất cả làng mạc, gây khốn đốn cho người dân. Lúc đó, một vị thần đã dùng gỗ đóng một chiếc bè lớn chở mọi người đi lánh nạn.

Về sau, cứ tới ngày này, người dân lại nhớ đến công ơn của vị thần kia nên hành lễ, nấu món ăn cúng bái, tạ ơn. Người Chăm Islam ở An Giang hiện có hai dòng theo đạo cũ và đạo mới. Theo ông Ismal, giáo cả làng Chăm Châu Phong, một bộ phận người Chăm theo đạo mới không tin truyền thuyết vừa kể trên nên không làm lễ Asura; còn người Chăm theo đạo cũ thì duy trì lễ này hằng năm.

Bên cạnh những lễ hội mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng. Người Chăm An Giang còn tổ chức nhiều lễ hội khác: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú ( dịp Quốc khánh 02/9) và phải kể đến Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, luân phiên tổ chức hai năm một lần tại các huyện có dân tộc Chăm sinh sống.

Đây là hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm; là dịp quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm An Giang, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, tạo không khí vui tươi phấn khởi và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và trên cả nước nói chung./.

Nguồn: An Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT