Thăm Khu di tích đền Gióng – Hà Nội
Theo truyền thuyết, đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông bà lão nghèo sống phúc đức mà vẫn chưa có con. Một hôm bà ra đồng thấy một vết chân rất to liền ướm thử. Không ngờ về nhà bà thụ thai và sinh được một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Gióng. Kì lạ thay Gióng lên ba mà vẫn đặt đâu nằm đấy. Khi giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, Gióng bỗng vươn vai đứng dậy, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận, đánh tan quân giặc rồi phi ngựa về trời. Vua sai sửa sang vườn nhà của bố mẹ Gióng để lập đền thờ. Đó chính là đền Gióng, thờ Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng (còn gọi là đền Phù Đổng) ngày nay.
Đền Thượng còn gọi là đền Phù Đổng, tương truyền được dựng từ thời Hùng Vương, trên nền nhà cũ của Thánh Gióng. Năm 1010 khi dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho dựng lại ngôi đền bề thế hơn để ghi nhớ công ơn vị anh hùng đã tiêu diệt giặc Ân. Trải qua 10 thế kỷ, đến nay đền Thượng đã được trùng tu nhiều lần. Tuy vậy, những di tích còn lại của đền vẫn dựa trên kiến trúc cũ từ thuở xa xưa.
Đền Phù Đổng bố cục theo hình chữ Công. Trước cổng là một sân rộng, nhìn sang nhà thủy đình nằm giữa một hồ nước hình vuông sát đê sông Đuống. Thủy đình là nơi diễn ra các trò chơi dân gian và múa rối nước nên hồ nước còn có tên Ao Rối. Thủy đình được dựng theo kiểu "mái chồng" từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều bức chạm tinh vi trên gỗ, thể hiện những cảnh sinh hoạt dân gian: người chăn dê, người thổi ống xì đồng... Thủy đình mang nhiều yếu tố dịch học, nói lên những ước vọng của dân chúng. Cạnh đó, một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi xum xuê tỏa bóng râm mát xuống hồ và con đường nhỏ dẫn vào ngôi đền cổ kính.
Tam quan đền Phù Đổng được xây vào cuối thế kỷ XIX. Trải qua hơn một thế kỷ, những viên gạch cổ vẫn vững chãi với thời gian. Các hình điêu khắc, chạm trổ vẫn giữ nguyên nét mềm mại tinh xảo. Phía trước tam quan có đôi rồng đá, dưới có dòng chữ ghi niên đại năm Ất Dậu (1705), niên hiệu Vĩnh Thịnh, triều vua Lê Dụ Tông.
Phía sau tam quan, một đôi sư tử đá cùng niên đại đang đứng canh trước phương đình. Lối đi vào hậu cung được lát bằng 39 viên đá xanh, chạm khắc rồng bốn chân, năm móng, mang phong cách nghệ thuật đời Lý. Trong hậu cung 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có 6 tượng quan văn, võ hầu cận. Trong đền còn có bia đá dựng năm 1660. Phía sau đền có một giếng nước trong, gọi là giếng Ngọc.
Hiện đền Phù Đổng còn giữ 21 đạo sắc phong của các triều đại, nhiều hiện vật giá trị như ngai thờ thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII), đôi chóe sứ, cổ vật Trung Hoa do ái phi Đặng Thị Huệ cung tiến vào năm 1818, các câu đối do "Lễ bộ Tham tri Nguyễn Du” cung soạn.
Đền Hạ ở phía Đông đền Thượng, tên chữ là Dục Linh từ, thờ Thánh Mẫu, mẹ của Thánh Gióng. Phía Tây đền Thượng có Miếu Ban. Tương truyền đây là nơi Gióng ra đời. Miếu lợp ngói cổ hình mũi hài. Sau miếu là giếng Bát Nhĩ Trì (Ao Tám Vú). Giữa giếng có một gò đất nổi lên mà theo truyền thuyết là nơi Thánh Gióng ra đời và tắm trong ao này.
Trong khuôn viên di tích còn có Cố Viên (vườn rau cũ), tục truyền là nơi mẹ Gióng đến hái rau, rồi ướm chân mình vào dấu chân người khổng lồ và sinh ra Gióng. Ở đây có một ngôi nhà nhỏ gọi là Cây Hương, bên cạnh là hòn đá lớn có nhiều dấu vết lồi lõm mà theo truyền thuyết là dấu chân người khổng lồ. Ngoài vườn còn có tấm bia mang dòng chữ “Đổng Viên Thánh mẫu cố trạch” (nhà xưa của Thánh mẫu trong vườn Đổng).
Hàng năm, Hội Gióng đền Phù Đổng được tổ chức trọng thể vào ngày 9 tháng 4 âm lịch, với lễ tế thánh, lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng và diễn các tích tuồng kể lại chuyện xưa…
Nhân dịp 1000 năm Thăng Long, Hội đền Gióng đã được đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại./.