Hành trang lữ khách

Tìm hiểu văn hoá ẩm thực Phú Thọ

Cập nhật: 09/10/2008 09:10:21
Số lần đọc: 2435
Xã hội ngày càng phát triển, đã xuất hiện rất nhiều món ăn hiện đại, các món ăn mang phong cách Tây, rất độc đáo và sang trọng, song không ít người trong chúng ta muốn tìm lại chút dân dã trong những món ăn của quê hương mình.

Đã nhiều lần tôi đến thị xã Phú thọ, quê hương có truyền thống văn hoá lâu đời và điều ấn tượng nhất với tôi là được tìm hiểu và thưởng thức văn hoá ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc truyền thống nơi đây.

 

Sáng sớm mùa hè, tôi đi trên con phố Bạch Đằng của thị xã, chỉ một con phố ngắn thôi nhưng đã có biết bao địa chỉ văn hoá ẩm thực tấp nập người vào người ra, nào là bánh gai, nộm đu đủ, nộm hoa chuối, bánh giò, bánh tai… Vào mùa hè này, một trong những món ăn hấp dẫn nhất với mọi người có lẽ vẫn là món Bánh tai. Bánh tai được làm từ bột gạo tẻ, thịt lợn và một số gia vị khác, có hình thù giống cái tai, dài bằng chiều dọc lòng bàn tay và chiều ngang khoảng 4cm.

 

Không biết có từ bao giờ, ở thị xã có nhiều gia đình làm bánh tai truyền thống qua nhiều đời và rất nổi tiếng. Tôi dừng chân tại một gia đình có truyền thống làm bánh tai gần 4 đời nay, đó là gia đình cụ Nguyễn Thị Định ở số nhà 83, phố Bạch Đằng (phường Âu Cơ). Mới sáng sớm nên cả gia đình cụ, con trai, con dâu đang bận rộn với những mẻ bánh chuẩn bị ra lò. Tôi được chứng kiến một số công đoạn cuối của sản phẩm và nhận thấy loại bánh này trông thì tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra không đơn giản chút nào. Cụ Định năm nay đã 75 tuổi nhưng trông cụ vẫn khoẻ mạnh và trí nhớ minh mẫn. Cụ nói: “Nghề làm bánh tai đã gắn bó với gia đình tôi gần 4 đời nay rồi. Bây giờ tôi đã có tuổi, tôi truyền nghề làm bánh tai cho con trai và con dâu tôi để tiếp tục duy trì nghề truyền thống này. Những ngày đầu về nhà chồng, mẹ chồng tôi đã truyền cho nghề cho tôi, ngày đó làm bánh tai thật là vất vả vì phải thức dậy từ rất sớm để giã gạo bằng chày, cối và nguyên liệu cũng rất thiếu thốn. Bây giờ làm bánh cũng vẫn vất vả nhưng đỡ hơn xưa rất nhiều”. Qua tìm hiểu từ cụ Định tôi đã biết thêm nhiều về loại bánh này, cụ nói cho tôi biết về các công đoạn và những kinh nghiệm làm bánh. Muốn làm được bánh tai ngon thì phải chọn loại gạo tẻ thật ngon, trắng, dẻo vừa, đây cũng là khâu quan trọng quyết định cho sản phẩm. Sau đó đãi gạo sạch, ngâm nước từ 3-4 tiếng, để ráo nước, đem giã, hoặc nghiền thật nhỏ mịn. Tiếp đó nắm bột đã nghiền thành quả bột thật chặt, có độ dính kết thật chắc (to bằng quả bưởi) rồi cho vào nồi nước sôi đun lửa đều, khoảng 20 phút sau vớt quả bột ra cho vào cối giã thật nhuyễn rồi dùng đũa cả tre to bản đánh bột ra thật tơi, dùng tay nhậu bột thật kỹ để đạt được độ dẻo, sau đó nặn thành bánh cùng với nhân bánh đã được làm sẵn. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn có lẫn chút mỡ tươi ngon, giã nhỏ cùng hành khô, nêm thêm một số các gia vị như: hạt tiêu, muối, mì chính. Sau khi nặn bánh cùng với nhân, xếp bánh lần lượt vào khay bằng nhôm có đục lỗ rồi đặt lên nồi xôi cách thuỷ khoảng 30 phút bánh sẽ chín đều. Khi bánh đã chín xếp ra đĩa để bớt nóng là dùng được cùng với nước chấm pha có vị hơi chua, ngọt và cay vừa phải.

 

Cụ Định nói, chiếc bánh đạt yêu cầu thì đảm bảo thơm mùi bột quyện trong mùi nhân thịt thơm ngầy ngậy, cắn từng miếng từ đầu chiếc bánh trong cùng có cảm giác dẻo, mát, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh sau khi xôi và bánh không dính vào nhau, tạo ra vị béo mà không ngán. Bánh tai dễ ăn và nhiều người có thể dùng được, làm bằng bột tẻ nên rất lành, không bị đầy bụng, là một món ăn thích hợp vào buổi sáng, bánh bảo quản được trong ngày nên có thể dùng vào những buổi tiệc cưới hỏi rất ngon và thuận tiện.

 

Như được chứng minh sau một hồi dài lý thuyết, tôi và một người bạn thưởng thức những chiếc bánh tai còn nóng hôi hổi chấm với nước mắm thơm ngon. Quả thật đây là một thứ bánh dân dã, đậm đà chút hương quê. Cụ Định hồn hậu nhìn tôi đang mải miết thưởng thức cười và nói: “Làm bánh tai vất vả lắm cháu ạ, bao nhiêu năm làm bánh cúng chỉ tạm đủ ăn cho gia đình tôi thôi, thế nhưng tôi vẫn yêu nghề này một phần vì gia đình tôi đã gắn bó với nó lâu đời rồi và điều quan trọng hơn cả là sản phẩm bánh tai – món ăn đậm đà, dân dã quê tôi đã được nhiều người trong tỉnh và ngoài tỉnh, thành phố khác biết đến, vì ở nơi nào có người con của thị xã thì chắc hẳn sẽ không quên mang món bánh tai - đặc sản của quê hương mình để làm quà cho mọi người mỗi lần trở về thăm quê”. Tôi thực sự trân trọng những con người đã làm ra loại bánh giữ được nét độc đáo, một nét rất riêng của một vùng quê không những có truyền thống anh hùng mà còn đậm đà bản sắc văn hoá đặc biệt là văn hoá ẩm thực.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục