Hành trang lữ khách

Khám phá Tây Nguyên

Cập nhật: 01/10/2008 15:10:27
Số lần đọc: 2331
Tây Nguyên là vùng đất nổi danh với những pho sử thi anh hùng. Hiện, vùng đất này hấp dẫn khách du lịch không chỉ bằng âm thanh cồng chiêng, ché rượu cần bên bếp lửa mà còn bởi những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống, sinh hoạt.

Tây Nguyên là vùng cao nguyên gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Đến với Tây Nguyên, du khách không những được "chiêm ngưỡng" vẻ đẹp kỳ vĩ của núi, thác nước, nhà mồ.. mà còn được hòa mình vào cuộc sống thường nhật giản dị của bà con nơi đây.

 

Trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên, ngọn lửa trong bếp chính của ngôi nhà dài không bao giờ tắt. Ban đêm, sau bữa tối, các gia đình quây quần bên bếp lửa cùng dệt thổ cẩm, làm đàn tranh, chuông gió và thổi khèn, hát đối giữa bố mẹ và con cái. Sáng ra, ngọn lửa theo đồng bào lên rẫy. Trước khi tra hạt giống, trên nương bao giờ cũng có một ngọn lửa được nhóm lên như một dấu hiệu cầu mùa của chủ nhân trước các vị thần rừng, núi, sông. Chiều xuống, trước khi rời khỏi nương rẫy, ngọn lửa được vùi lại trong túm tro đặt lên một hòn đá để không bùng lên gây cháy. Đây cũng là dấu hiệu để báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa. Vào lúc làng có lễ, hội, ngọn lửa lại được đốt lên ở vị trí trung tâm để mọi người cùng nhìn thấy và mang lễ vật đến chung vui cộng đồng.

 

Cùng với lửa, rượu giúp cho ánh mắt người thiếu nữ diễn đạt được lòng mình nhiều hơn. Những dãy ché rượu dài tít tắp với hàng người nối nhau ngồi vít cong cần để uống ở Tây Nguyên là hình ảnh đẹp đã đi vào văn học, nghệ thuật. Đồng bào không uống rượu một mình mà cùng bạn bè để chia sẻ tình cảm vui buồn. Rượu đối với đồng bào còn là lễ vật mừng cưới, chào mừng đứa trẻ chào đời. Không ít các vụ xích mích, mâu thuẫn cộng đồng được hóa giải bằng những cuộc "thương thuyết rượu".


Nếu bữa cơm ngày thường của đồng bào Tây Nguyên chỉ gạo tẻ với thức ăn nấu từ các loại rau rừng và cá dưới sông, thỉnh thoảng cải thiện bằng thịt thú rừng săn bắt được, thì vào ngày lễ, Tết, cơm tẻ được thay bằng cơm nếp nấu ống tre tươi đốt trên lửa, tạo nên hương vị đặc biệt, gọi là cơm lam.

 

Cồng chiêng không thể thiếu đối với đồng bào Tây Nguyên. Đây là biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, làng bản. Giá trị của cồng chiêng được thể hiện qua tiếng ngân vang của nó, những tiếng cồng vượt xa năm, bảy ngọn núi... Thường những chiếc cồng đồng có pha vàng hoặc bạc vì vậy âm thanh của nó rất hay và được xem là vật quí của người Tây Nguyên. Mỗi bộ cồng chiêng giá trị tương đương với 20 - 30 con trâu.

 

Thông qua các lễ hội, tập tục, sinh hoạt hằng ngày, cồng chiêng đã trở thành một phương tiện chuyển tải thông điệp của cộng đồng. Nó không thể thiếu trong cuộc sống, thấm sâu vào máu thịt và là linh hồn cho những sinh hoạt văn hoá.


Đến với Tây Nguyên, du khách không những được nghe âm thanh cồng chiêng, uống rượu cần bên bếp lửa mà còn được xem những ngôi nhà mồ có mặt khắp các tỉnh. Theo phong tục tang lễ của một số đồng bào Tây Nguyên, sau khi chôn người chết, người ta làm một chòi nhỏ sơ sài trên nấm mộ để che mưa che nắng cho người chết. Trong chòi thường đặt một số đồ dùng của người đã khuất. Sau vài ba năm, thân nhân gia đình người chết phá nhà mồ cũ, dựng nhà mồ mới khang trang hơn, kiên cố hơn, trang trí tượng gỗ, có hàng rào xung quanh nhà mồ.

 

Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới của một số tộc người ở Tây Nguyên thường được tổ chức vào mùa xuân (mùa khô) và được coi như một lễ hội lớn (lễ bỏ mả) của dân bản. Người ta đưa đến nghĩa địa rượu, thịt, cá, các vật cúng tế. Thân nhân người quá cố và dân bản cùng vui mừng, ăn uống, nhảy múa trong một hay nhiều ngày bên nhà mồ để chia biệt vĩnh viễn người quá cố.

Tục bỏ nhà mồ theo quan niệm sau sự kiện này thì người sống hết trách nhiệm trông nom, thờ cúng cho người quá cố và được giải thoát mọi ràng buộc, nếu còn trẻ có thể lấy vợ (hoặc chồng) khác; còn người quá cố sẽ được đầu thai sang kiếp khác.

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục