Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Hợp tác để phát triển du lịch

Cập nhật: 09/07/2014 10:48:46
Số lần đọc: 1754
Qua bức tranh du lịch hiện nay, nhiều người cho rằng các doanh nghiệp thuộc “ngành công nghiệp không khói” cả trong và ngoài tỉnh phải tăng cường liên kết lại thì mới có hy vọng tạo đà khởi sắc cho du lịch phát triển.

Năm 2014, Tuyên Quang đặt mục tiêu thu hút hơn 950.000 lượt khách tham quan, du lịch, tổng doanh thu lĩnh vực này đạt 880 tỷ đồng. Để thu hút khách du lịch, một trong những giải pháp quan trọng, đó là tỉnh tăng cường bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của các dân tộc; tập trung đầu tư xây dựng giao thông tại các khu du lịch trọng điểm; đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến du lịch với các công ty lữ hành; tăng cường liên kết vùng trong xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách, tăng cường quản lý các khu, điểm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch là thế mạnh của Tuyên Quang.

Tuyên Quang hiện có hơn 500 điểm di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và gần 400 điểm di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Ngoài ra còn có các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Nà Hang, khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm, thác Bản Ba, động Tiên… Riêng trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh thu hút trên 665.800 lượt khách du lịch, đạt 70% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với cùng kỳ. 

Những năm gần đây, xu thế phát triển chung về du lịch của các địa phương là đẩy mạnh liên kết, tạo thêm tour tuyến, đưa tính liên kết trong phát triển du lịch ngày càng được mở rộng. Tuyên Quang cũng không nằm ngoài xu thế chung này khi mục tiêu phát triển du lịch đang từng bước được nâng cao cả về chất và lượng. Tham gia nhiều diễn đàn như tham gia xúc tiến đầu tư du lịch với Hà Giang, tham gia diễn đàn liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc, tham gia khảo sát tour tuyến với 6 tỉnh Việt Bắc nằm trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”... Qua đó, giá trị hấp dẫn của các điểm du lịch Tuyên Quang đã thu hút được các công ty lữ hành hướng tới nghiên cứu, xây dựng, kết nối các tour du lịch để chào bán cho du khách.

Bên cạnh liên kết vùng, việc các doanh nghiệp làm du lịch liên kết với nhau, nỗ lực “tiếp thị” để tìm kiếm, thu hút du khách cho mình cũng đang được quan tâm. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng thể, du lịch Tuyên Quang vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến chất lượng du lịch. Thứ nhất, vấn đề quy hoạch, đầu tư tại các điểm trên còn manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ, nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu, thiếu sự chủ động liên kết, liên doanh với bên ngoài để phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn; thứ hai, sản phẩm du lịch của các đơn vị này vẫn còn quá đơn điệu, trùng lặp và thiếu tính đặc thù, độc đáo để hấp dẫn và níu chân du khách. Mặc dù thời gian gần đây một số doanh nghiệp như doanh nghiệp du lịch Green Việt Nam (Hàm Yên) đã tìm tòi, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với du lịch sinh thái; tham gia sản xuất nông nghiệp... nhưng cũng chỉ mang tính thể nghiệm ban đầu, du khách còn chưa biết đến nhiều. Do vậy, cần phải tích cực tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và sâu rộng hơn trên nhiều phương diện. Về vấn đề này, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài trách nhiệm của các doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho ngành du lịch thành lập Trung tâm xúc tiến, quảng bá chuyên biệt hình ảnh của ngành đến với du khách một cách thường xuyên và có trọng tâm hơn. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và thực hiện một cách đồng bộ.

Phát triển du lịch đang là lựa chọn của nhiều địa phương, trong đó có Tuyên Quang. Là tỉnh có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội, để du lịch ngày càng được quảng bá rộng rãi thì sự liên kết là tất yếu. Mới đây, tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn đã được UBND tỉnh thông qua. Qua đó khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực: Lữ hành, khách sạn, làng du lịch, khu vui chơi giải trí, công viên giải trí, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu du lịch, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống... Qua đó cũng khẳng định tính liên kết, đồng bộ phải được đặt lên hàng đầu để du lịch Tuyên Quang ngày càng tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách thập phương./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục