Non nước Việt Nam

Hãy đến với đất và người Ninh Thuận

Cập nhật: 09/07/2014 15:39:38
Số lần đọc: 2135
Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên 3.360 km², gồm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và 6 huyện, dân số gần 600.000 người với 34 dân tộc đang sinh sống. Ninh Thuận cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách Phan Thiết 150 km về phía Nam, cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Lạt 110 km về phía Tây.

Nơi đây ít mưa giông, thừa nắng ấm và xưa nay chưa bao giờ có bão. Với bờ biển dài 105 km, những dãy núi cao đâm lan ra tận biển tạo nên những vũng, vịnh với cát trắng, nắng vàng, biển xanh đẹp nổi tiếng xưa nay như Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương. Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới. Với vẻ đẹp hoang sơ, bờ biển Ninh Thuận như một nàng công chúa ngủ quên đang trở mình tỉnh giấc.


Du khách Nga chụp ảnh lưu niệm khi đến tham quan vườn nho Ba Mọi.

Với khí hậu đặc thù, các nhà địa lý học gọi Ninh Thuận là “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á Châu”. Ninh Thuận là vùng đất của gió mặn biển khơi, của nắng những tia nắng vàng rực và sóng biển xanh êm êm vỗ không ngơi nghỉ, là những đồi cát trắng Nam Cương như bờ ngực phơi mình bên bờ biển, kệ gió đuổi theo những bước chân trần trên cát vàng mịn màng như làn da thiếu nữ, của những bãi biển xinh đẹp ngàn đời không ngừng sóng vỗ về, tâm sự cùng bờ cát trắng, của những tháp Chăm đầy bí ẩn...

Ninh Thuận là miền đất phong phú về lịch sử văn hoá, là điểm hội tụ của văn hóa tộc người Chăm và Raglai. Khi đến đây, du khách có thể theo các tour đến với quần thể tháp Chàm Po Klongirrai cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XII, đến tháp Hòa Lai xây dựng từ thế kỷ thứ IX, đến tháp Porome xây dựng từ thế kỷ XVI, đến làng nghề gốm Chăm cổ nhất thế giới để thử sự khéo léo khi cùng thiếu nữ Chăm nặn gốm bằng tay hay trổ tài dệt thổ cẩm thủ công, cùng xem cùng múa hát với các thiếu nữ Chăm kiều diễm bên bếp lửa hồng, cùng chế biến các món ẩm thực Chăm và có thể ngủ lại với dân làng mộc mạc xem múa hát nhạc Chăm thâu đêm.

Sau khi khám phá văn hóa Chăm, mời các bạn theo quốc lộ 27 để lên vùng cao Ninh Sơn - Bác Ái. Vùng rừng núi đã chở che cho cách mạng suốt 30 năm chiến tranh giải phóng với những di tích oai hùng như bẫy đá Pi Năng Tắc, là nơi rừng sâu nuôi giấu bộ đội giải phóng, là căn cứ địa của Khu VI anh hùng. Mời bạn đi giữa sắc màu xanh mướt huyền diệu của rừng nguyên sinh đa dạng của Vườn Quốc gia Phước Bình. Nơi đây, trong những palei, đồng bào Raglai hoà nhập những phong tục mang tính dân tộc đặc sắc như lễ đền ơn đáp nghĩa, lễ ăn đầu lúa, lễ bỏ mả, thưởng thức hương vị ngọt ngào mà chếch choáng men say của rượu cần và nghe tiếng đàn đá, đàn chapi, nhảy múa theo điệu mã la thiêng liêng tiếng rừng núi ông bà.

Biển là một thế mạnh của sự phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận. Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km², có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải. Nơi đây là một trong bốn ngư trường lớn nhất và giàu nguồn lợi nhất về các loài hải sản của cả nước, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và phát triển công nghiệp khai thác thủy sản và khoáng sản biển. Con đường ven biển đang sắp sửa khánh thành sẽ đưa bạn đi suốt chiều dài 105 km bờ biển Ninh Thuận để ngắm những vũng vịnh đẹp nhất Việt Nam mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất ấm tình người này. Với men vang nho ngà say, mời bạn lên tàu đáy kính đi ngắm rạn san hô, xem rùa đẻ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp suốt chiều dài biển vịnh Vĩnh Hy, Bình Tiên để rồi lên xe, 30 phút sau bạn đã ở sân bay quốc tế Cam Ranh để tiếp tục cuộc hành trình khám phá.

Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng là vùng đất văn hóa biển, của văn hóa sinh thái, văn hóa dân tộc mà còn nổi tiếng bởi những đặc sản mang tính khác biệt mà những nơi khác ở Việt Nam không có. Đây là vùng trồng được nho và nuôi được cừu duy nhất ở Việt Nam. Nho, táo, hành, tỏi, thịt cừu, thịt dê và các món hải sản Ninh Thuận là những món ăn đặc sản mà nếu đã một lần thưởng thức, khó ai quên được.

Những năm gần đây, du lịch Ninh Thuận đang khởi sắc. Du khách thường kháo với nhau rằng, nếu đến Ninh Thuận mà chưa đến thăm những vườn nho trĩu nặng để thưởng thức nho ăn trái và chưa thăm những cơ sở sản xuất rượu vang nho để thưởng thức rượu vang là chưa đến Ninh Thuận. Với diện tích trên 1.500 ha với hai giống nho ăn trái nhập từ Âu châu đã đến với quê hương Ninh Thuận. Giống nho red cardinal khi chín mọng có màu đỏ tím ngọt lịm, giống nho NH 0148 có màu xanh chứa đựng nhiều chất dinh dưỡng vừa ngọt vừa mát. Do thích hợp với vi lượng đất và khí hậu nơi đây, hai giống nho này đã trở nên thân thuộc với bà con trồng nho vùng đồng bằng Ninh Thuận. Không biết nho có phải là những nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần không nhưng tính nết rất kiêu kỳ và đỏng đảnh nên trồng và chăm sóc nho là cả một quá trình vất vả. Thiếu mưa thừa nắng cũng hờn, thừa nước thiếu tình là giận…ôi nàng nho xinh đẹp quả là đỏng đảnh. Để có những chùm nho chín mọng, người trồng nho luôn phải vất vả đêm ngày để chăm sóc cho những nàng tiên kiêu kỳ này. Ngoài sản phẩm nho ăn trái, Ninh Thuận là nơi duy nhất trên cả nước trồng được giống nho rượu. Đây là nguyên liệu để sản xuất ra các loại rượu vang, mật nho tuyệt hảo, nho khô luôn luôn khát trên thị trường.

Do điều kiện đất đai và khí hậu với đặc trưng khô và nóng, ẩm, thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Cây nho được du nhập vào Ninh Thuận từ thế kỷ 19 và phát triển từ những năm 1960. Đến những năm 1980, nho đã trở thành nghề sản xuất hàng hóa. Nơi đây đã hình thành một vùng nho điển hình và tập trung lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, việc sản xuất nho tại Ninh Thuận đã cũng trải qua gặp nhiều khó khăn. Năm 1998, Ninh Thuận có khoảng 2.300ha cây nho. Thời điểm đó, trên toàn địa bàn, “nhà nhà trồng nho, người người trồng nho”, thậm chí “có sân chơi cũng đào lên trồng nho”. Nhờ cây nho, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên nguyên nhân sâu bệnh đã và đang là thách thức lớn nhất đối với Ninh Thuận trong việc phát triển cây nho thời bấy giờ.

Để cây nho được định hướng phát triển theo hướng tích cực hơn, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn bà con là trồng nho theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, đảm bảo nho sạch với các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp cũng đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ người nông dân về cung cấp giống nho năng suất cao, tập huấn về quy trình trồng nho an toàn…Ngành Khoa học Công nghệ Ninh Thuận đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu tuyển chọn giống nho, quy trình trồng nho, quy trình sản xuất vang nho và các sản phẩm từ nho.

Để tìm đầu ra cho nông dân, một trong những khâu quan trọng là xây dựng thương hiệu, đặc biệt là khi Ninh Thuận là nơi có thể sản xuất nho hàng hóa. Và một trong những “tín hiệu xanh” cho cây nho Ninh Thuận là ngày 17/2/2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý cho cây nho Ninh Thuận, tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong việc khôi phục lại những diện tích từng trồng nho trước đây.

Song song với chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội Nho của tỉnh Ninh Thuận cũng đã ra đời, với bộ máy tổ chức bao gồm nhiều chi hội: trồng trọt, chế biến, kinh doanh và một ban kiểm tra. Quy trình trồng trọt theo quy định, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu thì sản phẩm mới được dán tem chỉ dẫn địa lý.

Xác định cây nho là một trong những cây chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận đã mời các nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp 1, các Viện, trường có liên quan giúp tỉnh giải quyết vấn đề sâu bệnh, lai tạo giống nho phù hợp với điều kiện ở địa phương và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.

Nho Ninh Thuận có hương vị đặc trưng riêng như hình cầu, vỏ quả bóng, mỏng, có vị ngọt hài hòa với vị chua nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đây là tín hiệu vui cho ngành trồng nho và nhất định một thời gian không xa, thương hiệu nho Ninh Thuận sẽ được biết đến rộng khắp trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Lễ hội Nho và vang Quốc tế Ninh Thuận - 2014 là dịp để tôn vinh những người trồng nho và sản xuất vang nho, quảng bá thương hiệu nho Ninh Thuận đồng thời cũng là quảng bá du lịch Ninh Thuận, quảng bá một vùng đất đầy quyến rũ với hương vị nho và men đời. Lễ hội cũng là dịp để các vùng đất trồng nho và sản xuất vang nho các nước gặp gỡ giao lưu, tìm đến nhau, học hỏi kinh nghiệm với nhau bằng chính những chùm nho chín mọng và men rượu vang nồng ấm tình người Ninh Thuận.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT