Non nước Việt Nam

Pá Khoang –“Nàng tiên xanh“ trên núi

Cập nhật: 18/06/2014 15:38:16
Số lần đọc: 1578
Trên cung đường từ thành phố Điện Biên Phủ vào Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng, ẩn hiện trong mây trời non nước ở độ cao nghìn mét so với mực nước biển, hồ Pá Khoang như tấm gương khổng lồ lấp lánh soi bóng khu rừng nguyên sinh bốn mùa xanh mát.  

Chuyện kể rằng, 20 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bốn đại đội thanh niên xung phong hành quân vào Mường Phăng. Sức trẻ dẻo dai, tình yêu quê hương đất nước đã tiếp thêm nghị lực, giúp họ hoàn thành con đường vắt qua mấy trăm ngọn núi và công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất Điện Biên, đó là hồ Pá Khoang. Sau khi được đưa vào sử dụng, hồ không chỉ cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc mà còn góp phần điều hòa không khí, hạn chế mưa lũ và giữ nước cho các công trình thủy điện Thác Bay, Nà Lơi.

 

Chiêm ngưỡng toàn cảnh từ trên dãy Pú Hồng Mèo, du khách sẽ thấy mặt nước Pá Khoang trong xanh, hiền hòa, phản chiếu mây trời và đại ngàn xanh thẫm. Đông sang, sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trùng trùng, những nếp nhà xinh xắn. Vào mùa hè, không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng, một thắng cảnh quyến rũ lòng người. Liên hệ với người dân địa phương, du khách có thể chọn cho mình một con thuyền độc mộc hoặc thuyền có mái che để thả hồn lãng du theo sóng nước bồng bềnh, len lỏi vào từng ngóc ngách của các hòn đảo nhỏ xanh um giữa hồ. Có thể neo đậu thuyền ven bờ, buông cần câu hoặc bơi lội, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh quan. Người dân Pá Khoang sống cởi mở, mến khách. Mấy chục bản quanh đây đa số là người Thái, người Khơ Mú. Họ sống chan hòa với núi rừng và vẫn giữ được hầu hết những nét ban sơ của văn hóa dân tộc. Dân du lịch vẫn thường truyền tai nhau về sự thân thiện của người dân nơi đây. Vào thăm bản, dù không quen biết trước nhưng biết khách đường xa tới chơi, những người dân sẽ sẵn sàng mời bạn vào nhà, cùng nhấp chén rượu sắn, thử món măng đắng, món rêu đá, món thịt trâu gác bếp. Vào dịp lễ hội, khi bóng đêm và màn sương buông xuống, ngồi bên ánh lửa hồng bập bùng, già trẻ, gái trai tập trung lại, cùng nghe sự tích "Quả bầu khô" về nguồn gốc các dân tộc anh em, hay truyện thơ "Xống chụ xôn xao" ngợi ca tình yêu đôi lứa... Dưới những nếp nhà sàn là tiếng nói cười hòa cùng tiếng nhạc từ sáo, nhị, pí, đàn môi, đàn lá...và không thể thiếu cùng đàn hát là xòe. Khách được hòa mình vào vòng xòe hay nhảy sạp và ngắm nhìn những hoa văn thổ cẩm sặc sỡ trên chiếc khăn piêu, hay hàng khuy bạc hình bướm lấp lánh trên áo cóm của các "noọng xảo" (em gái) Thái duyên dáng...

 

Đã có người ví Pá Khoang như một "nàng tiên ngủ quên trong rừng" đã và đang trông chờ sự quan tâm và đầu tư của ngành du lịch./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT