Hội thảo phát triển Du lịch vùng Duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Du lịch khu vực các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đang có những cơ hội để phát triển nhanh và bền vững nhưng cũng phải đương đầu với những thách thức không nhỏ.
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên xét về hình ảnh, về sản phẩm và năng lực vẫn còn đang ở vị trí thấp so với một số nước trong khu vực và thế giới. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển là một trong những mục tiêu cơ bản của du lịch vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian tới.
Do đó, hội thảo là dịp để các địa phương trong khu vực và ngành chức năng phân tích đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch của vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, từ đó đề ra chính sách, giải pháp phát triển du lịch của Vùng. Đồng thời, đây cũng sẽ là diễn đàn thúc đẩy sự hợp tác liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch tỉnh Ninh Thuận nói riêng, các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói chung.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên du lịch, các địa phương cùng với các doanh nghiệp trong vùng đã quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, xây dựng mới các loại hình, sản phẩm du lịch… đã góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển. Năm 2013, các địa phương trong vùng đã đón 24 triệu lượt khách du lịch, chiếm 56,47% của cả nước, trong đó khách quốc tế gần 5 triệu lượt khách; doanh thu du lịch đạt hơn 34.600 tỷ đồng, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói chung và cả nước nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành Du lịch vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: hạ tầng kinh tế, xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn khó khăn, thiếu đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp; công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả chưa cao; môi trường du lịch chưa được thắt chặt….; việc liên kết hợp tác trong phát triển du lịch, gắn kết xây dựng tour, tuyến và sản phẩm du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa rõ nét, thiếu chiến lược phát triển chung cho toàn vùng.
Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khách du lịch có khả năng và sẵn sàng chi tiêu cao hơn để được đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú, đa dạng tại các khu, điểm du lịch khác nhau của các địa phương, với chất lượng các dịch vụ tốt hơn trong cùng một chuyến du lịch. Chính vì vậy, việc gắn kết có hiệu quả và có tính chiến lược giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong phát triển du lịch sẽ là điểm đột phá trong việc thu hút khách du lịch và là tiền đề để nâng cao thương hiệu du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung trong khu vực và thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận về phát triển sản phẩm du lịch gắn kết giữa vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Cùng với đó là nhiều ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu; lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước./.