Lễ hội Hoa Phượng Đỏ: Tiến tới là lễ hội của mọi người, mọi nhà
Lễ hội truyền thống đặc trưng Hải Phòng
Thường trực Thành ủy có Công văn số 2661 ngày 1/4/2014, và UBND thành phố có Công văn 2316 ngày 11/4/2014 chỉ đạo tập trung cao, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2015). Công tác chuẩn bị được báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy trong tháng 7/2014. Theo đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng gắn với Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 4.
Với Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, thành phố chủ trương xây dựng trở thành lễ hội truyền thống đặc trưng của Hải Phòng. Qua đó quảng bá, giới thiệu hình ảnh, xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng ở trong nước và quốc tế. Lễ hội được tổ chức nhằm thúc đẩy, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo không khí vui tươi, sôi động, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi trong toàn thành phố. Công tác tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ yêu cầu phải khoa học, bài bản, chuyên nghiệp, tạo ấn tượng mạnh, rõ tính khác biệt, thể hiện rõ nét giá trị và hình ảnh Hoa Phượng Đỏ, con người, thành phố Hải Phòng, tiến tới mục tiêu mọi người, mọi nhà chủ động cùng tham gia tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ.
UBND thành phố giao Sở VHTTDL là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ thường niên hằng năm, xác định rõ chủ đề đêm hội của lễ hội từng năm và xác định thời điểm tổ chức để từng bước tạo thói quen chờ đón lễ hội trong lòng nhân dân và khách du lịch vào thời điểm kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng. Thành phố cũng yêu cầu xác định một số hoạt động chính, cốt lõi của lễ hội, xây dựng bộ nhận diện Lễ hội Hoa Phượng Đỏ và sản phẩm đặc trưng của lễ hội gắn với hình ảnh hoa phượng đỏ. Bên cạnh đó nghiên cứu xây dựng quỹ để chủ động triển khai thực hiện.
Sẽ có một kế hoạch dài hơi
Đã qua 3 kỳ Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, mỗi kỳ đều có một sắc thái và dấu ấn riêng. Điểm nhấn của lễ hội vẫn là đêm khai mạc. Đêm hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ nhất mang đậm sắc thái trẻ trung của Hải Phòng. Đêm hội Hoa Phượng Đỏ lần 2 mang tầm quốc gia, bởi đó là Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng.
Đáng chú ý nhất là đêm khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3. Đêm hội tái hiện một Hải Phòng sang trọng, xưa cũ đầy chất nghệ thuật dường như chạm vào tâm thức người dân, là bức thông điệp về ứng xử với Hải Phòng. Thành phố hôm nay có thêm tuyến đường hoa phượng, nhiều tên phố, tên đường, nhiều công trình công cộng rồi một mai sẽ được trả lại theo ý nguyện chung và bên cạnh đó có những công trình mới mang tầm vóc sẽ mọc lên... Đó cũng là những gợi mở từ bức thông điệp "ứng xử với Hải Phòng" ở Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3 cho những đêm hội của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ những lần sau.
Bên cạnh đêm hội là các hoạt động tại lễ hội. Sau 3 năm tổ chức nhiều hoạt động vẫn chủ yếu diễn ra ở khu vực dải trung tâm thành phố, mà điểm nhấn không quá lớn. Thành phố đã chọn hoa phượng là biểu trưng, nhưng chưa có sản phẩm lưu niệm gắn với biểu trưng này. Chương trình hoạt động văn hóa - thể thao tại lễ hội nên quy tụ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại thành phố làm chương trình lớn tại một địa điểm trong những ngày lễ hội, không nên diễn ở nhiều địa điểm dải trung tâm. Nên đưa các nhóm nhạc đường phố biểu diễn ở các góc phố thay vì biểu diễn ở chân Cột Cờ... Với thể thao, nên chọn đua xe đạp quanh hồ Tam Bạc và đưa giải đấu này thành giải hằng năm nhân Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Các hoạt động thể thao khác nên mở rộng và mời mọi người đến với Cung đua thuyền sông Giá hay dòng Đa Độ. Hải Phòng có thế mạnh với các môn thể dục mang tính nghệ thuật cao. Trong lễ hội những năm tới nên tổ chức buổi nhảy tập thể của hàng nghìn học sinh, sinh viên... chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách du lịch... Như vậy Lễ hội Hoa Phượng Đỏ chắc chắn sẽ là lễ hội của mọi người, mọi nhà mà thành phố đang hướng tới./.