Bế mạc Ngày hội giao lưu bản sắc văn hoá các vùng, miền 2008
Một ngày dành riêng để văn hoá Hà Nội khoe sắc: Lẫn trong sắc màu rực rỡ và những thanh âm mang hơi thở của khắp các vùng, miền, Ngày văn hoá Hà Nội diễn ra vào sáng 9/10 đã tạo nhiều dấu ấn đặc biệt trong ngày hội giao lưu độc đáo này. Hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân các dân tộc đến từ khắp các vùng, miền và công chúng Thủ đô đã “say” chất phóng khoáng hào hoa của điệu múa Rồng- linh vật biểu hiện cho trí tuệ, tài hoa, sự hưng vượng và sức sống mãnh liệt của đất và người Thăng Long- Hà Nội. Niềm háo hức say mê ấy cũng như tiếp tục được nhân lên trong chương trình lễ hội dân gian đầy cuốn hút này với Hội rước bia Thọ Chỉ, Đền ông Thọ (thôn Bùi Đông- xã Thịnh Liệt- huyện Thanh Trì); với những điệu múa Bài bông- hò Cửa đình; hát dô; Hội Gióng vốn có quy mô lớn nhất đất kinh kỳ cùng những trò chơi dân gian truyền thống như đấu vật, chọi gà, kéo co, múa hát đồng dao... “Chủ nhà” Hà Nội đã thực sự coi ngày hội giao lưu này là một cơ hội để “khoe” những “đặc sản” văn hoá đã được nhiều thế hệ người dân giữ gìn trên mảnh đất kinh kỳ sau ngàn năm lịch sử. Bản sắc ấy đã hoà vào sắc màu của nhiều vùng, miền khác để khẳng định nét riêng có của mình.
Lào Cai: “Pút tồng” lần đầu tiên “đi hội”! Tết nhảy (Pút tồng)- một lễ hội độc đáo của người Dao đỏ đến từ Lào Cai đã thực sự “sống lại” một cách trọn vẹn sau chương trình bảo tồn văn hoá phi vật thể do ngành văn hoá địa phương tiến hành và tại ngày hội giao lưu bản sắc văn hoá các vùng, miền, lễ hội Pút tồng đã lần đầu tiên được mang đi trình diễn. TS Trần Hữu Sơn. (Giám đốc Sở VH, TT & DL Lào Cai) khoe, Pút tồng có tới 54 điệu múa khác nhau, mỗi điệu múa chứa đựng những giá trị mang bản sắc độc đáo của người Dao đỏ đã sinh sống lâu đời trên vùng núi cao Tây Bắc này. Công chúng đến ngày hội giao lưu lần đầu tiên đã được tận mắt chứng kiến những sinh hoạt văn hoá mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng vô cùng độc đáo được người Dao đỏ xã Tả Phìn huyện Sa Pa thực hiện như nghi lễ tắm than, nhảy múa xuất thần... nhưng vì giới hạn thời gian nên các nghệ nhân chỉ có thể “trình làng” với công chúng Thủ đô một vài điệu múa tiêu biểu. Lễ hội Pút tồng mang ý nghĩa đón tổ tiên thần linh về mừng Tết của người Dao đỏ cũng thu hút đông đảo người xem hội bởi âm vang của những tiếng trống chiêng và những điệu nhảy múa sôi động ...
Hoà theo nhịp điệu cồng chiêng Tây Nguyên: Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng ngân nga, rộn rã, chứa đựng linh hồn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vang lên trên đất kinh kỳ đã khiến không khí ngày hội thêm rộn ràng. Người xem đặc biệt ấn tượng với màn sân khấu hoá lễ kết nghĩa của người Êđê ở buôn Trinh, xã Ea Blang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Với 1 cây nêu Êđê, 2 ché rượu cần, 1 con gà trống vừa, 5 chiếc vòng đồng, 10 chiếc ghế nhỏ, xô, ca múc nước, 4 chiếc chiếu, áo và khăn thầy cúng, người thầy cúng, chủ lễ, đội nghệ nhân đánh chiêng, nhóm múa mời rượu và một số bà con trong buôn đã làm lễ, và chứng kiến 2 người con Êđê kết nghĩa trở thành anh em một nhà “có vui cùng hưởng, có hoạ cùng lo, cùng nhau làm ăn tiến bộ và xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp”. Cuối buổi lễ kết nghĩa, tất cả khán giả có mặt trong ngày hội và các nghệ nhân buôn Trinh cùng nhau vít cong ché rượu cần, cùng chia sẻ không khí vui vẻ, nhân văn của lễ kết nghĩa. Một lần nữa, những người dân cả nước thêm hiểu, thêm yêu nét văn hoá cộng đồng của xứ sở cồng chiêng.
Say điệu múa Chăm: Các tiết mục biểu diễn của những nghệ sĩ, diễn viên xứ Chăm Ninh Thuận cũng đã để lại ấn tượng khó quên về nét văn hoá độc đáo của vùng đất Tháp Chàm. Người xem bị cuốn vào điệu múa mê hoặc của các chàng trai, cô gái Chăm trong “Trống hội Chăm”, níu kéo bởi làn điệu mượt mà, đằm thắm của dân ca Chăm trong “Người tình ơi”. Bên cạnh đó, những trang phục truyền thống của dân tộc Chăm rực rỡ sắc màu, tinh tế hoa văn, hoạ tiết cũng đã thu hút người xem hiểu hơn về văn hoá mặc của người Chăm. “Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng các trang phục truyền thống của người Chăm, tôi thấy rất thú vị. Trang phục đã tạo cho người Chăm nét duyên dáng, tinh tế, và rất quyến rũ”, chị Lan Anh ở Hà Nội nhận xét.
Mê khúc hát Khmer Saravan: Khán giả kinh kỳ cũng bị cuốn hút bởi những làn điệu sâu lắng của dân ca Khmer do Đoàn nghệ thuật Kiên Giang thể hiện. Nếu như điệu ca múa dân gian Khmer Saravan không thể thiếu trong những ngày lễ, ngày hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, thì trong ngày hội lần này, nó cũng đã tạo nên sức thu hút khó tả với công chúng Thủ đô. “Dù không hiểu hết ý nghĩa của ca từ, nhưng với giai điệu mượt mà, say đắm, khúc hát Saravan đã thực sự hút hồn người nghe”, bà Nguyễn Thị Thuỳ ở Hà Nội chia sẻ. Không chỉ vậy, với “Niềm vui ngày hội đua thuyền”, đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang cũng đã mang đến ngày hội ở Thủ đô không khí sôi động, khoẻ khoắn của hội đua thuyền dịp Ok om bók hằng năm ở vùng sông nước Cửu Long, góp phần giới thiệu nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Khmer Nam Bộ.