Non nước Việt Nam

Núi Mằn - nét đẹp trầm tích đất Quảng Ninh

Cập nhật: 24/07/2014 17:55:35
Số lần đọc: 2602
Thiên nhiên đã ban tặng núi Mằn (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) một cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình cùng hệ động thực vật phong phú. Đây cũng là núi đá duy nhất còn nguyên vẹn trên khu vực vịnh Cửa Lục, vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long. Không chỉ có cảnh quan đẹp, danh thắng núi Mằn còn gắn với những câu chuyện văn hóa, lịch sử hấp dẫn, xứng đáng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào đầu tháng 7 này.

Nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng (Bạch Thạch Khe) và suối Lưỡng Kỳ (Khe Bân) đổ ra sông Đá Trắng, núi Mằn xưa còn có tên gọi là núi Bân, một ngọn núi đẹp và điển hình cho hệ thống núi đá vôi của huyện Hoành Bồ. Hình dáng núi giống như một con voi đang trong thế quỳ phục, vòi chúc xuống khe Bân. Núi Mằn cao khoảng 300 m so với mực nước biển, có các vách đá cao dựng đứng, khe núi hiểm trở, lưng chừng núi có các tảng đá tự nhiên bao quanh như hình vành mũ, liên kết với nhau vững chắc, tạo thành những nét độc đáo riêng mà không ngọn núi nào trong vùng có được. Bên trong những rãnh núi hiểm trở có những hang động lừng chừng núi với những thớ, nhũ đá khá đẹp, trên đỉnh núi có rất nhiều vỏ ốc, sò... và có cả những vũng nước tự nhiên trong vắt mà người dân trong vùng gọi là Thiên Bể (hoặc Giếng Trời)… Bên cạnh những nét độc đáo riêng, núi Mằn còn có hệ thực vật núi đá vôi khá phong phú và đa dạng, có nhiều cây thuốc nam, phong lan và một số loài thú quý như khỉ vàng, kỳ đà, tắc kè, chim chóc. Phía đông của Núi Mằn còn có Hang đầu Bụt, bên trong hang có nhiều nhũ đá rất đẹp…


Bên cạnh những vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, núi Mằn còn gắn với truyền thuyết ly kỳ về "Ông khổng lồ gánh đá vá trời” từ thuở khai thiên lập địa. Đến nay, nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều địa danh gắn với truyền thuyết này như ruộng ông Khổng Lồ, đồi ông Khổng Lồ, rồi vết chân ông bước qua sông Cửa Lục tạo thành những dải đất có hình bàn chân (chân ông Khổng Lồ). Đặc biệt, là khi ông trở vai làm đòn gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống thành phố Hạ Long (là núi Truyền Đăng - núi Bài Thơ), một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (Hoành Bồ) chính là núi Mằn ngày nay...

 

Bên cạnh giá trị về cảnh quan, tâm linh, núi Mằn còn có những giá trị gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa chất, địa mạo, thì núi Mằn chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa Sơn Vi, Đông Sơn, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện. Những bút tích bằng chữ Hán cổ, đồ thờ tự phát hiện trong hang động tại núi Mằn những hiện vật như vỏ sò, ngao, các loài cây sú, vẹt... và những hệ thực vật biển hóa thạch phát hiện trong hang động là minh chứng về nguồn gốc, sự hình thành, phát triển của di tích, không chỉ có giá trị về danh thắng mà còn có giá trị về địa chất cổ sinh học.


Các nhà nghiên cứu về lịch sử thì cho rằng, núi Mằn từng là đại bản doanh của quân đội nhà Lý trong cuộc kháng Tống thế kỷ XI. Trong hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), núi Mằn được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh dự bị chiến lược của đạo thủy binh nhà Trần. Sau chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Thánh Tông đã chỉ huy quân đội nhà Trần vượt biển tiến vào vịnh Cửa Lục, đóng quân tại núi Mằn rồi từ đó tiến lên chặn đánh và truy kích quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy trên đường rút chạy về nước qua đường Đình Lập - Lạng Sơn...

 

Nguồn: baotintuc

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT